(Dân trí) - Tháng 8/2010, sau 14 năm phát hiện tim bẩm sinh, gia đình mới vay mượn đủ tiền để Lê Thị Như (26 tuổi, Hà Tĩnh) phẫu thuật thay van tim. Nhưng vì không có tiền để tái khám theo lịch, Như đứng trước nguy cơ tử vong vì bị kẹt hai van tim…
Hôm 15/4, Như được gia đình đưa tới khoa Tim mạch và Lồng ngực (BV Việt Đức) khám cấp cứu trong tình trạng khó thở, mệt mỏi. Các bác sĩ chẩn đoán Như bị kẹt hai van tim do có huyết khối trong tim, nếu không phẫu thuật cấp cứu, Như sẽ tử vong
Nghe bác sĩ thông báo, cả bố mẹ và Như đều lặng đi. Bố mẹ nhìn con, nước mắt lưng tròng. Con cũng nhìn bố mẹ nghẹn ngào không thể nói lên lời. Mãi rồi Như mới sẽ sàng bày tỏ với cha mẹ: “Cho con về. Con xin được chết. Bố mẹ đã quá vất vả vì con…”.
Nghe con nói vậy, bố mẹ Như bật khóc nhưng rồi lại phải cố nín để động viên con về vì không có tiền để mổ, dù biết nếu về con gái họ chẳng còn đường sống.
Mẹ Như rầu rầu kể: từ nhỏ Như đã ốm yếu và thường xuyên bị ngất. Nhưng gia cảnh khó khăn, cha mẹ không nghĩ đến chuyện đưa con đi khám. Năm 11 tuổi, Như phát hiệt bị tim bẩm sinh, nhưng không có tiền điều trị, nên cô bé chỉ nghỉ học ở nhà dưỡng bệnh.
Mãi đến tháng 7/2010, khi Như đã 25 tuổi, tình trạng sức khoẻ suy sụp, bị ngất liên tục, gia đình mới vay vượn khắp nơi được hơn 1 triệu đồng đưa con gái ra bệnh viện Bạch Mai khám. Tại đây, các bác sĩ phát hiện cô có khối máu đông trong tim, phải mổ gấp nếu không nguy cơ tử vong rất cao.
Nhà thuộc hộ nghèo của xã, chỉ có 7 sào ruộng, làm lụng vất vả quanh năm vẫn còn không đủ ăn, lấy đâu số tiền hơn 100 triệu để mổ cho con? Câu hỏi đó cứ giằng xé tâm can cha mẹ già của Như. Về nhà, hàng ngày thấy con đau đớn vật vã, ăn không ăn được, ngủ cũng không ngủ được, thương con, hai ông bà quyết định đi vay ngân hàng nhưng bị từ chối vì không đủ điều kiện thế chấp. Hàng xóm thương tình, người đứng ra cắm sổ đỏ, người cắm sổ lương giúp vay mượn được hơn 100 triệu, vừa đủ chi phí cho ca mổ hồi cuối tháng 8/2010 thay van tim cho Như.
Mừng mừng tủi tủi ngày con được xuất viện, cha mẹ Như định bụng về nhà sẽ đi làm thuê làm mướn thêm để trả nợ cho bà con chòm xóm. Nhưng chưa trả được đồng nợ nào thì lại xảy ra sự cố trên, cũng bởi “em thấy người khoẻ khoẻ, tiếc tiền tàu xe nên nói mẹ không cần đi khám. Chứ mỗi đợt khám, tiền thuốc thang thì ít, tiền xe đò thì nhiều. Tổng tiền mỗi lần đi khám, nhà em ăn tiêu cũng được cả tháng”, Như nói.
Sau 2 tháng không đi tái khám để dùng thuốc chống đông máu theo chỉ định của bác sĩ, Như phát bệnh. Đi khám tại bệnh viện Việt Đức, gia đình chết lặng khi nghe bác sĩ thông báo Như bị kẹt van tim phải mổ cấp cứu
PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, trưởng khoa Tim mạch và Lồng ngực (BV Việt Đức) vẫn nhớ như in trường hợp của bệnh nhân Như, vì ca bệnh này mà cả khoa đã mất ăn mất ngủ, họp lên họp xuống để tìm cách chạy tiền cho bệnh nhân mổ, dù người nhà đã kí hồ sơ xin bệnh nhân về.
“Nếu về, cô gái này sẽ chết ngay trong đêm vì đã có hiện tượng phù phổi. Nhưng để mổ, thì người nhà phải tạm ứng trên 70 triệu đồng mới có thể tiến hành ca mổ. Nhưng họ nghèo, 3 người ra Hà Nội khám chưa có đầy triệu bạc, không có khả năng xoay ra tiền”, TS Ước nói và cho biết thêm: trước tình thế này, chính ông đã phải kí giấy bảo lãnh về kinh tế cho người bệnh để thực hiện ca mổ. “Chúng tôi cũng đã sử dụng van tim và phổi nhân tạo khoa được tặng, dù không phù hợp lắm với thể trạng cô gái, nhưng đã phải “biến tấu” cho phù hợp, nên đã “gánh” được chi phí rất lớn về van tim và phổi nhân tạo cho người bệnh”.
TS Ước cho biết, dù xoay được cho bệnh nhân van và phổi nhân tạo, nhưng những chi phí điều trị, vật tư còn lại của ca mổ vẫn còn khoảng 50 triệu. “Chúng tôi đã tính từng chi tiết giảm chi phí tối thiểu cho người bệnh, nhưng chi phí điều trị vẫn còn khoảng 50 triệu. Khoản tiền này, gia đình thì không lo đủ, khoa cũng chẳng có nguồn quỹ nào để ủng hộ. Chúng tôi chưa biết giải quyết sao với trường hợp này, nhưng thấy chết mà không cứu thì chúng tôi không đành lòng. Nhất là trường hợp bệnh nhân này còn quá trẻ, lại tiên lượng sống rất tốt. Chúng tôi cũng rất muốn làm từ thiện, nhưng chỉ có thể dùng đôi bàn tay, sự nhiệt tình của mình để giúp người bệnh…”
TS Ước cho biết thêm, sau khi cứu ca bệnh này, tất cả bệnh nhân đang nằm điều trị trong khoa đều rất xúc động. Người lẳng lặng san sẻ quần áo, người cho cơm ăn… Nhưng những người bệnh tim bẩm sinh đều quanh năm phải gắn với bệnh viện, họ cũng khó khăn trăm bề. Vì thế, để giúp cho Như thực sự qua bạo bệnh, điều trị ổn định, cần lắm tấm lòng của mọi người sẻ chia, giúp đỡ, để cô gái 26 tuổi này có thể tiếp tục cuộc sống, để cha mẹ cô khỏi nghẹn lòng khi phải xin cho con về, dù biết về nhà nghĩa là cánh cửa cuộc đời con sẽ hoàn toàn khép lại…
Hồng Hải