“Với bệnh lý van tim hẹp bẩm sinh nặng nề, có thể nói đây là cơ hội cuối cùng để phẫu thuật, để bé được sống với cuộc đời. Còn nếu để qua một vài năm, khi tình trạng suy tim nặng lên thì có tiền cũng không cứu được cậu bé này”.
PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, trưởng khoa Tim mạch và Lồng ngực (BV Việt Đức) đánh giá về trường hợp của bé Hoàng Lâm Chí Khanh (3 tuổi ở Bản Dè, Chiềng Dong, Mai Sơn, Sơn La) đang nằm điều trị ở khoa.
Hơn 3 tuổi nhưng vóc dáng bé Hoàng Lâm Chí Khanh chỉ như đứa trẻ lên 1 với cân nặng vẻn vẹn 9kg. Không chỉ vì căn bệnh tim bẩm sinh nặng chưa được phẫu thuật khiến bé không lớn được, mà còn vì gia cảnh khốn khó, cơm không đủ ăn.
Nghe chị Hoàng Thị Nhung, mẹ bé Khanh kể về tình cảnh gia đình, người nghe không khỏi rớt nước mắt vì thương cậu bé còi cọc mà lanh lợi. Từ lúc biết ăn bột tới giờ, cậu bé này còn chưa từng biết mùi vị của miếng thịt. Cũng bởi nhà nghèo, bé chỉ ăn bột gạo nấu muối, nấu đường. Đến khi lớn hơn một chút, ăn cháo, ăn cơm, dù thỉnh thoảng nhà cũng có miếng thịt, con cá nhưng bé đều không chịu ăn vì không quen miệng.
Bé Khanh được phát hiện mắc bệnh tim bẩm sinh từ năm 2 tuổi tại bệnh viện Nhi T.Ư, sau đó được chuyển sang Việt Đức để phẫu thuật. Tuy nhiên, cứ vào viện điều trị nội khoa khoảng tuần là hai mẹ con lại xin bác sĩ về, vì trong túi không còn một đồng bạc. Đến nay, đã hơn một năm phát hiện tim bẩm sinh nặng, bé vẫn chưa được phẫu thuật.
Chị Nhung kể, ở quê bản làng thưa thớt, nhà cách chợ tới 5km nên hầu như không bao giờ đi chợ mà mọi sinh hoạt, ăn uống đều tự cung tự cấp. Hai vợ chồng ở với bố mẹ già, quanh năm cắm mặt vào nương rẫy mà vẫn không đủ ăn. Vậy mà cứ chừng 5 – 6 tháng, vay mượn, tích cóp được chừng năm, sáu trăm nghìn đồng, hai mẹ con lại lóc cóc đi xe đò về bệnh viện Việt Đức vì bé suy nhược cơ thể, hay khó thở.
"Thương con lắm, đang ở lứa tuổi hiếu động nhưng bé chẳng thể chạy nhảy, chơi đùa vì cứ chạy nhảy là người vã mồ hôi, thở hồng hộc. Ở viện cũng vậy, mẹ luôn tay bế. Các cô, các bác trong phòng thương tình cũng giúp em khi thì bế cháu, khi thì đi mua cho hộp sữa, gói bim bim", chị Nhung nói.
Dù được các bác sĩ hết sức tạo điều kiện giúp đỡ từ nằm giường bệnh miễn phí, tới xin suất ăn từ thiện của bệnh viện, rồi kê thuốc có trong danh mục bảo hiểm y tế để giảm tối đa chi phí, nhưng chỉ được chừng mươi ngày là chị Nhung lại phải xin bác sĩ cắp con về vì tiền đã cạn (dù mỗi ngày, chị chỉ dám cho con uống 1 hộp sữa tươi và ăn cùng suất cơm với mẹ).
Sáng 27/4, khi chúng tôi có dịp trở lại khoa, gặp đúng lúc hai mẹ con đang xin bác sĩ về nhà, dù tình trạng sức khỏe bé vẫn rất xấu. Điều dưỡng trưởng của khoa động viên hai mẹ con ở lại, nhưng chị Nhung vẫn nằng nặc xin về vì trong người còn chưa tới trăm ngàn, tiền xe còn chưa đủ, ở lại viện thì chị không biết xoay sở thế nào.
Chứng kiến cảnh bác sĩ thì giữ, chị Nhung thì xin về, bà Nguyễn Thị Tuyết, mẹ em Lê Thị Như (nhân vật trong bài viết Xin bố mẹ cho con được chết…) không cầm lòng được. Nên vừa nhận được sự ủng hộ từ Quỹ Nhân ái và độc giả báo Dân trí, bà đã tặng lại bé Hoàng Lâm Chí Khanh số tiền 1.000.000 đ, để hai mẹ con có thể xoay xở sinh hoạt phí tại bệnh viện, chờ các bác sĩ tìm nguồn tài trợ phẫu thuật cho bé.
PGS.TS Nguyễn Hữu Ước cho biết, Khanh bị bệnh lý van hai lá bẩm sinh, hiện đang được điều trị nội khoa để chờ mổ sửa van. “Một ca mổ như thế này có hai đặc thù, chi phí lớn hơn gấp 2, hoặc 3 so với một bệnh lý tim bẩm sinh (ví dụ như thông liên nhĩ, thông liên thất). Kết quả sau mổ rất khó nói vì riêng tổn thương van hai lá bẩm sinh cực khó. Chúng tôi hi vọng phẫu thuật để sửa van được là tốt nhất, không được sẽ bắt buộc phải thay van cho cháu. Vì thế, kết quả phẫu thuật không dự báo trước".
"Chi phí phẫu thuật khó tính được hết, chỉ tính tương đối. Trong khi bệnh nhân gia đình dân tộc nghèo không có một đồng nào. Vào khoa phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực được hỗ trợ nằm giường bệnh miễn phí. Chúng tôi đã đi xin nhiều nơi, xin bệnh viện… nhưng với trẻ nhỏ những đồ bệnh viện có thể cho được không nhiều vì ca mổ rất đặc thù, làm rất tinh, khó, nếu dùng những đồ không hợp thì không ổn. Biết đây là cơ hội cuối cùng, nếu không mổ, bệnh nhân càng có nguy cơ suy tim nặng, khi đó có tiền cũng không cứu được cháu bé, nhưng vì chưa xin được hỗ trợ, nên chúng tôi vẫn đành cho bệnh nhân chờ để tiếp tục đi xin tiếp cho người bệnh. Hi vọng, sẽ có những tấm lòng nhân ái giúp đỡ, để bé Khanh được tiếp tục sống”, TS Ước bày tỏ.
Bài và ảnh: Hồng Hải (dantri.com.vn)