Trong các loại thực phẩm mà chúng ta sử dụng hằng ngày, có một số loại có khả năng giúp cơ thể phòng chống được một số bệnh tật như: tim mạch, ung thư… sau đây xin giới thiệu 5 loại thức ăn đã được các trung tâm nghiên cứu đánh giá cao về khả năng hỗ trợ phòng chống tim mạch, nhờ vào một số hoạt chất có trong nó.
Cây việt quất (blueberry)
Loại cây này không những ngon mà còn giàu chất chống oxy hóa. Các chuyên gia tin rằng: chất chống oxy hóa trong cây việt quất có tác dụng giảm lượng cholesterol xấu (LDL cholesterol) lắng đọng ở thành mạch máu. Đây là nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch và tai biến mạch máu não. Những nghiên cứu của Trung tâm dinh dưỡng Hoa Kỳ, đã đưa đến việc xếp cây việt quất vào hàng số 1 về hoạt tính chống oxy hóa khi so sánh với 40 loại trái cây và rau tươi khác. Chất chống oxy hóa giúp trung hòa các chất độc hại của quá trình chuyển hóa (các gốc tự do). Các gốc tự do có thể dẫn đến bệnh ung thư hoặc những bệnh liên quan đến tuổi già. Anthocyamin, một chất oxy hóa được tìm thấy trong cây việt quất là một chất có tác dụng tốt nhất đối với sức khỏe. Anthocyamin còn tìm thấy trong cây mâm xôi (raspberry), nho đen (black currant), nho đỏ. Người ta khuyến cáo chỉ cần mỗi ngày ăn một cốc trái cây việt quất tươi là đủ.
Cá hồi
Cá hồi là một thực phẩm có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe, nó là một nguồn cung cấp tốt nhất “mỡ tốt” cho cơ thể. Mỡ tốt đó chính là acid béo omega-3. Ngoài cá hồi thì cá thu, cá trích, cá mòi cũng giàu acid béo omega-3. Mỡ này giúp làm giảm nguy cơ phát triển bệnh tim mạch, do nó làm giảm lượng triglyceride trong cơ thể, triglyceride là loại mỡ máu có liên quan đến bệnh tim mạch và đái tháo đường. Các nghiên cứu cho thấy, acide béo omega-3 ngăn sự tạo thành cục máu đông do sự kết dính tiểu cầu, tiểu cầu không kết dính và đóng lên thành động mạch được. Mạch máu cũng ít bị co thắt hơn và cũng ngăn chặn loạn nhịp tim gây đe dọa tính mạng. Hội tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo ăn cá ít nhất là 2 lần mỗi tuần (các loại cá như cá hồi).
Ngoài việc dùng thức ăn giàu acid béo omega-3, protein, vitamin, khoáng chất thì cũng cần đến protein đậu nành, vì nó là một lựa chọn tốt hơn so với thịt đỏ (thịt động vật).
Đậu nành.
Nó cũng ít chất béo có hại và giàu chất xơ hơn bất kỳ loại thịt nào. Ở người có cholesterol máu cao, các nghiên cứu cho thấy protein đậu nành khi dùng với chế độ ăn ít mỡ sẽ làm giảm cholesterol. Có những nghiên cứu cho thấy, ăn một vài loại thức ăn giảm cholesterol sẽ làm hạ mức cholesterol máu nhiều hơn so với dùng thuốc. Cả Hội tim mạch Hoa Kỳ lẫn Cơ quan quản lý thuốc & thực phẩm Hoa Kỳ đều khuyến cáo dùng khoảng 30g protein đậu nành mỗi ngày. Có thể lấy protein đậu nành từ đậu nành, sữa đậu nành, đậu hủ, bột đậu nành…
Bột yến mạch (oatmeal)
Từ lâu, ở phương Tây người ta hay dùng bột yến mạch pha nóng mỗi sáng cho những người cần giữ giọng tốt. Chỉ cần nửa cốc yến mạch mỗi ngày thì không những được cung cấp năng lượng 130Kcal mà còn nhận được 5g chất xơ có lợi cho tim (giúp làm giảm cholesterol và giữ cho cân nặng cơ thể ở mức khỏe mạnh). Một tác dụng tốt khác là bột yến mạch dùng buổi sáng sẽ tạo cảm giác no đến buổi ăn trưa nên bạn sẽ giảm ăn vặt giữa buổi (ăn vặt là một trong những lý do tạo ra béo phì). Bột yến mạch và các loại hạt khác như: lúa mạch, lúa mì, gạo lức… giúp giảm nguy cơ bệnh đái tháo đường cũng như nguy cơ bệnh tim mạch. Có thể dùng gạo lức để thay thế bột yến mạch. Hội đái tháo đường Hoa Kỳ khuyến cáo lượng chất xơ hàng ngày là 21-38g tùy thuộc vào giới và tuổi.
Rau xanh
Các loại rau có màu xanh sậm cùng với cải xoăn, cải lá, bông cải… chứa một lượng cao vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa mà nó có khả năng bảo vệ cơ thể chống lại bệnh lý tim mạch. Nó cũng cung cấp lượng acid béo omega-3. Rau xanh cũng giàu acid folic, là một chất giúp giảm homocysteine (một acid amin). Nguy cơ bệnh tim mạch tăng cao theo nồng độ homocysteine trong máu.