Các chấn thương ngực chiếm 20% những trường hợp tử vong do chấn thương. Tần số của các chấn thương ngực đến khoa cấp cứu sẽ gia tăng bởi sự phát triển của tính hiệu quả của các Smur. Nhiều chấn thương ngực có thể được cứu sống nhờ một sự hồi sức tích cực, nội thông khí quản, dẫn lưu ngực, bổ sung thể tích (suppléance volumique), và điều trị ngoại khoa. (5 đến 15% của các chấn thương ngực).
Các chấn thương ngực có thể là kín, hở hay hỗn hợp.
Các mục tiêu của sự điều trị chấn thương ngực là :
- Nhận biết các gãy xương sườn và các biến chứng của chúng.
- Nhận biết mảng sườn (volet thoracique).
- Nhận biết một suy kiệt hô hấp (détresse respiratoire), căn nguyên của nó và từ đó suy ra điều trị.
- Chẩn đoán một suy tuần hoàn (défaillance cardiaque) và xác định thái độ điều trị.
- Nhận biết một vỡ động mạch chủ và hoạch định điều trị.
- Nhận biết những thương tổn đạn đạo (lésions balistiques) không xuyên, những thương tổn giảm tốc (lésions de décélération) và blast.
Những thương tổn thành ngực có vẻ hiền tính có thể gây nên những thương tổn quan trọng của nhu mô phổi, nhất là do tăng áp suất quá mức hay giảm tốc (surpression hay décélération). Nạn nhân chấn thương ngực có thể có đồng thời một suy hô hấp và tuần hoàn. Nguy hiểm có thể tức thời hay trì hoãn. Tỷ lệ tử vong của chấn thương ngực trong tình trạng choáng riêng rẻ là 7%, nếu được liên kết với suy kiệt hô hấp tỷ lệ lên đến 73%. Sự hiện diện của những bệnh lý có trước ảnh hưởng lên tiên lượng.
Nói chung có 3 cơ chế căn nguyên :
- Va chạm trực tiếp.
- Những thương tổn giảm tốc (lésions de décélération), rách phổi (dilacérations pulmonaires), vỡ phế quản, các thương tổn mạch máu.
- Blast.
Giai đoạn khởi đầu của xử trí chấn thương ngực là đảm bảo sự khai thông của đường dẫn khí (liberté des voies aériennes) và đảm bảo sự thông khí phổi. Giai đoạn không tránh được này phải được thực hiện nhanh chóng và tức thời lúc bệnh nhân đến.
Nếu không có một cố gắng hô hấp nào có thể được nhìn thấy, có thể đó là một sự ảnh hưởng của trung tâm hô hấp bởi chấn thương sọ, cổ, hay ngộ độc. Nếu có một cố gắng hô hấp có thể trông thấy được và không có chuyển động khí nào cả (thấy, nghe, cảm thấy !!!), đó có thể là một tắc của đường dẫn khí (occlusion des voies aériennes).
Trong những trường hợp này nhất thiết phải khai thông đường dẫn khí :
- Bán trật hàm dưới (subluxation de la machoire) đồng thời duy trì trục đầu - cổ - thân (jaw thrust).
- Hút miệng-khí quản.
- Tránh thông khí bằng mặt nạ nếu GCS < hoặc = 8, trong trường hợp này chọn :
- Nội thông các bệnh nhân, cũng để tránh hít dịch ồ ạt trong trường hợp mửa.
Lúc nội thông khí quản cũng là lúc ngừng tim :
- Nếu préoxygénation không đầy đủ (> hoặc = 3L/phút)
- Nếu sự thông khí phổi không thích đáng.
- Nếu nội thông thực quản mà không biết.
- Nếu nội thông khí quản phải.
- Nếu áp suất thông khí quá mức (giảm hồi lưu tĩnh mạch).
- Nếu phát triển một tràn khí màng phổi tăng áp.
- Nếu nghẽn mạch khí (embolie gazeuse).
- Nếu phản ứng phế vị.
- Nếu phát triển nhiễm kiềm quan trọng.
Cần sẵn sàng mở khí quản (trachéostomie) trong trường hợp không thể nội thông, mở sụn nhẫn-giáp (cricothyroidotomie).
Sự sử dụng saturomètre de pouls là cần thiết, liên tục, và thỉnh thoảng thực hiện khí huyết động mạch. Sự đo CO2 thở ra hữu ích để kiểm tra vị trí của ống nội thông.
Xử trí suy kiệt tuần hoàn (détresse circulatoire). Nguyên nhân thông thường nhất của choáng trong chấn thương ngực kín là sự hiện diện của một gãy xương chậu (59%), những thương tổn ở bụng (41%), xuất huyết trong ngực (26%).
Trong một chấn thương ngực hở, nguyên nhân của choáng thường là thương tổn ở ngực (phổi 36%) (tim 25%) (các mạch máu lớn 14%) (các artères métamériques 10%). Thương tổn trong ngực này được kèm theo những thương tổn trong bụng (14%), những thương tổn của các chi (12%), những thương tổn tủy sống (5%).
Việc không điều chỉnh nhanh chóng choáng trong 30 phút kèm theo một sự gia tăng rõ rệt tỷ lệ tử vong. Trước hết, hãy thiết đặt một hay nhiều đường ngoại biên. Đường trung tâm (voie centrale) qua tĩnh mạch chủ (PVC và bù dịch) phải được thiết đặt về phía bị chấn thương để không gây thêm biến chứng thủng phổi gây tử vong. Một tràn khí màng phổi hay tràn máu màng phổi lớn cũng có thể góp phần vào choáng do làm giảm hồi lưu tĩnh mạch.
Nguyên nhân của một suy kiệt hô hấp hay tuần hoàn khi bị chấn thương ngực hiếm khi rõ ràng và toàn bộ các bệnh lý tức thời gây tử vong phải ở trong trí của nhà lâm sàng và phải được tìm kiếm một cách hệ thống để loại trừ.
Việc xử trí toàn bộ một bệnh nhân đa chấn thương với thương tổn ngực là một trong những thách thức ảnh hưởng nhất lên tỷ lệ sống còn.
1. GẪY SƯỜN
+ Các triệu chứng của gãy xương sườn:
- Ngay sau khi bị tại nạn, bệnh nhân thấy tức ngực, khó thở, đau nhói tại chỗ làm cho bệnh nhân khó thở, phải thở nhanh và nông.
- Bệnh nhân có điểm đau hoặc vùng đau cố định, đau nhiều hơn khi thở sâu hay khi ho. Ở một số trường hợp bị gãy một xương sườn thì có khi chỉ đau không đáng kể. Thường bệnh nhân có thể xác định được điểm đau.
- Ở thành ngực thường có máu tụ. Da tại chỗ có thể bị xây xát. Dùng ngón tay ấn dọc lên xương sườn bị tổn thương, sẽ có một điểm đau chói và có thể nghe được tiếng lạo xạo do các đầu xương gãy chạm vào nhau. Có thể phát hiện điểm gãy bằng hai tay: một tay để dưới lưng, một tay để trên xương ức và ép nhẹ, bệnh nhân sẽ cảm thấy đau nhói tại ổ gãy.
- Đau làm giảm biên độ hô hấp, làm tăng xuất tiết đờm dãi, cản trở động tác ho và còn làm cho phế quản co thắt. Kết quả là đờm dãi bị ứ đọng lại trong đường hô hấp làm tắc đường hô hấp, làm cho bệnh nhân khó thở và có thể bị viêm phổi. Do đó, cần phải theo dõi phát hiện các biến chứng trên lâm sàng và Xquang.
- Phải khám tỉ mỉ và toàn diện. Có khi gãy xương sườn phối hợp với các chấn thương ở bụng (hay gặp khi gãy các sườn ở thấp).
+ Gãy các xương sườn đặc biệt.
- Gãy xương sườn 1 và xương sườn 2:
Thường phải có một chấn thương rất mạnh mới làm gãy được sườn 1. Khi gãy sườn 1, có thể gặp thương tổn động mạch và tĩnh mạch dưới đòn (hai mạch máu này nằm ở mặt trên của xương sườn 1). Ngoài ra có thể gây thương tổn dây thần kinh hoành, một vài thành phần của đám rối thần kinh nách, hoặc rách đỉnh phổi. Cá biệt có thể rách thực quản, khí quản.
- Gãy xương sườn 11 và 12:
. Xương sườn 11 và 12 nhỏ, lại có một đầu di động tự do nên thường ít khi bị gãy. Về lâm sàng, chẩn đoán không khó khăn lắm, vì sườn 11 và 12 ở nông nên sờ nắn dễ.
. Đầu xương sườn gãy có thể đâm thủng cơ hoành gây thương tổn các tạng ở dưới như lách, gan, thận. Khi cơ hoành trái bị thủng có thể có thoát vị các tạng ở bụng lên lồng ngực. Phải khám kỹ ổ bụng và tiết niệu khi có gãy xương sườn 11 và 12.
- Gãy xương sườn ở trẻ em:
. Lồng ngực trẻ em rất co giãn, vì vậy ít gặp gãy xương sườn ở trẻ em.
. Về các biến chứng do gãy xương sườn cũng ít gặp hơn ở người lớn. Chỉ khi bị gãy nhiều xương sườn mới rối loạn về hô hấp. Do lồng ngực rất đàn hồi, nên có những trường hợp không gãy xương sườn, nhưng vẫn có những thương tổn nặng các cơ quan trong lồng ngực.
2. MẢNG SƯỜN DI ĐỘNG
+ Mảng sườn di động là hậu quả của một chấn thương rất mạnh đập vào thành ngực. Vì vậy, ngoài những tổn thương ở thành ngực, có thể còn có những thương tổn khác như: vỡ phế quản, rách phổi, rách các mạch máu lớn trong lồng ngực. Có thể gãy xương tứ chi, vỡ các tạng của ổ bụng, chấn thương sọ não kèm theo. Những thương tổn này ảnh hưởng rất nhiều đến tiên lượng của bệnh nhân. Vì vậy trước một mảng sườn di động, phải khám toàn diện.
Mảng sườn di động hay gây những rối loạn nặng về hô hấp và tuần hoàn nên phải khẩn trương phát hiện và cấp cứu.
+ Chẩn đoán mảng sườn di động: dựa chủ yếu vào lâm sàng.
Để bệnh nhân ở tư thế Fowler quan sát sự cân đối của hai bên lồng ngực, phát hiện sự di động ngược chiều của mảng sườn.
- Khi thở vào lồng ngực nở ra thì chỗ thương tổn lõm xuống. Khi thở ra lồng ngực xẹp xuống thì chỗ thương tổn lại lồi lên. Cử động của nơi thương tổn bao giờ cũng ngược chiều với lồng ngực.
Khi bệnh nhân thở nông thì khó phát hiện, nhưng khi thở sâu và ho thì phát hiện dễ dàng hơn (do đó, khi khám thì có thể cho bệnh nhân thở sâu hoặc ho).
- Phải xác định được ba vấn đề cơ bản trong mảng sườn di động là: vị trí, độ di động, diện tích của mảng sườn để dự đoán những rối loạn về hô hấp.
- Phải phát hiện những thương tổn kèm theo ở bên trong lồng ngực như: tràn khí, tràn máu màng phổi bằng khám lâm sàng và chụp X quang.
- Ngoài ra còn phải kiểm tra bụng, tứ chi, sọ não để phát hiện các tổn thương kết hợp. Sau khi đã chẩn đoán mảng sườn di động, phải đánh giá và theo dõi sự tiến triển những rối loạn hô hấp qua đếm nhịp thở, quan sát màu sắc của môi và đầu chi. Nếu có điều kiện cần làm các xét nghiệm về khí trong máu (PCO2...PO2).
3. THƯƠNG TỔN SỤN SƯỜN
Nguyên nhân giống như trong quá trình gãy xương sườn. Sụn sườn có thể bị gãy, có thể bị tách rời một phần hoặc rời hoàn toàn khỏi khớp sụn sườn. Bệnh nhân đau tại chỗ và có biến dạng của lồng ngực. Tình trạng đau tại chỗ kéo dài khá lâu vì sụn sườn lâu liền.
4. GÃY XƯƠNG ỨC
- Trong chấn thương ngực ít gặp gãy xương ức, chỉ gãy khi chấn thương trực tiếp lên mặt trước của xương ức. Ngoài ra có thể do chấn thương làm gập mạnh xương ức lại như trong trường hợp gãy lún đốt sống.
- Bệnh nhân đau ở xương ức, khi thở sâu và ho thì càng đau hơn. Nếu hai xương bị di lệch thì càng đau nhiều hơn và có một đường gờ nổi lên ở mặt trước xương ức. Khi nắm sẽ thấy sự di động bất thường tại đầu xương ức ở tư thế nghiêng.
- Chẩn đoán: quan trọng nhất là chụp xương ức ở tư thế nghiêng.
5. THƯƠNG TỔN CÁC TẠNG TRONG LỒNG NGỰC
5.1. Thương tổn nhu mô phổi:
- Vỡ phổi: cơ chế chưa được nghiên cứu rõ ràng, nhưng có thể là do lúc bị chấn thương thanh hầu khép kín, đồng thời áp lực tăng đột ngột ở trong đường hô hấp.
- Vỡ vùng mặt ngoài của phổi: Nếu có tràn máu và tràn khí màng phổi nhẹ thì có thể tự khỏi, do chỉ có một số phế nang và mạch máu nhỏ bị thương tổn, ở những thường hợp lớn hơn thì phải chọc hút, dẫn lưu.
- Vỡ nhu mô phổi ở sâu: thường ít gặp hơn, nhưng rất nặng. Bệnh nhân bị tràn máu khí màng phổi nặng. Máu có thể chảy vào đường phế quản gây ho ra máu và làm tắc đường hô hấp. Nhiều trường hợp bệnh nhân chết nhanh chóng.
Biện pháp cứu những trường hợp vỡ phổi lớn và chảy máu ồ ạt nói trên là phải mổ ngay, cắt bỏ phổi vỡ nát hoặc vị xé rách đó đi.
5.2. Thương tổn đường hô hấp chính:
Thường do chấn thương trực tiếp: lồng ngực bị ép xuống và nén phế quản, khí quản lên cột sống. Do đó hay gặp ở người trẻ, lồng ngực còn mềm mại, nhất là ở trẻ em: xương ức có thể chạm vào cột sống mà không có gãy xương sườn.
- Nếu vỡ khí quản và phế quản gốc, bệnh nhân sẽ bị tràn khí trung thất, gây nên rối loạn về huyết động. Bệnh nhân ở trạng thái ngạt và sốc, dễ chết do suy hô hấp cấp.
Nếu vỡ phế quản và phân thùy, bệnh nhân sẽ bị tràn khí màng phổi nặng. Các triệu chứng lâm sàng của tổn thương đường hô hấp chính là khó thở, tràn khí và máu màng phổi, tràn khí dưới da, đau tại chỗ, có khi ho ra máu, trạng thái sốc.
Để chẩn đoán: nên soi phế quản, sẽ thấy được vị trí và hình thái thương tổn.
5.3. Thương tổn tim, màng tim:
+ Giập tim: cơ tim có thể bị đụng giập, gây nên thiếu máu tại chỗ. Nếu vùng giập nhỏ và khu trú thì có thể khỏi hoàn toàn. Nếu vùng giập rộng thì bệnh nhân có thể chết ngay trong tình trạng suy tim.
Có một số trường hợp, sau khi qua giai đoạn cấp tính thì để lại di chứng thiếu máu cơ tim. Bệnh nhân có diễn biễn như tắc động mạch vành.
Nếu vùng giập khu trú ở nội tâm mạc thì có thể hình thành các cục máu trong buồng tim, gây nên các tai biến tắc nghẽn.
Các biến chứng có thể xuất hiện trong giập tim là:
- Vỡ tim thì hai.
- Suy tim.
- Túi phình ở thành cơ tim.
+ Vỡ tim: những chấn thương mạnh vào thành ngực có thể làm rách cơ tim. Thất phải hay bị thương tổn nhất, vì thành mỏng và lại nằm sau xương ức. Trong rách tâm thất, vết rách thường theo một đường dọc tương ứng với thớ của cơ tim.
Nếu màng tim bị rách thì máu sẽ tràn vào khoang màng phổi. Đa số các bệnh nhân này thường bị tử vong nhanh chóng.
Nếu màng tim còn nguyên vẹn thì có tràn máu màng tim. ở một số bệnh nhân chưa tử vong ngay mà còn sống với triệu chứng của chèn ép tim. Đây là những trường hợp có thể hy vọng được cứu sống bằng phẫu thuật.
+ Thương tổn trong buồng tim: các vách ngăn liên nhĩ hay liên thất đều có thể bị rách, có thể có thương tổn các van tim. Van động mạch chủ hay bị thương tổn hơn cả.
+ Thương tổn màng tim: thường nhẹ không có biểu hiện lâm sàng, không gây nên chảy máu. Nhưng nếu thương tổn rộng thì có thoát vị tim qua lỗ rách, sẽ gây nên rối loạn về nhịp tim, suy tim hoặc ngừng tim.
5.4. Thương tổn mạch máu lớn:
+ Rách mạch máu của tiểu tuần hoàn:
Nếu rách mạch máu ở cuống phổi thì bệnh nhân thường chết ngay tại chỗ. Nếu rách mạch máu ở thùy phổi thì có nhiều hy vọng cứu sống bệnh nhân, nếu được xử trí sớm.
+ Rách mạch máu ở đại tuần hoàn: chủ yếu là rách động mạch chủ.
Bệnh nhân thường chết ngay, ở những trường hợp sống sót thì sẽ thấy cục máu bao quanh động mạch chủ hoặc phồng động mạch chủ. Phần lớn các bọc máu này to dần lên rồi vỡ, làm bệnh nhân chết. Thời gian vỡ có thể sớm (sau một vài giờ) hoặc muộn hơn (sau vài tháng). Chỉ có một số rất ít trường hợp là được tổ chức hoá.