RUNG NHĨ
Rung nhĩ là gì?
Tâm nhĩ là 2 buồng của tim, ở ngay trên 2 tâm thất, trông giống như 2 tai của quả tim nên được gọi là tâm nhĩ. Thành tâm nhĩ tuy mỏng hơn thành tâm thất nhiều nhưng cũng được cấu tạo bằng nhiều sợi cơ đan dệt với nhau. Ở người bình thường các sợi cơ đó co bóp đồng thời với nhau trong 1 phần 10 giây, gọi là nhĩ thu. Sau đó chúng lại cùng giãn nghỉ trong 7 phần 10 giây còn lại của chu chuyển tim, gọi là nhĩ trương. Là vì các sợi cơ nhĩ co bóp đồng bộ như vậy, nên tâm nhĩ đẩy máu xuống tâm thất trong thời kỳ nhĩ thu, và nhận máu từ ngoại vi về tim trong nhĩ trương, cứ như vậy khoảng 70 lần trong một phút.
Trong rung nhĩ, sự việc diễn ra khác hẳn. Là vì một trong những nguyên nhân nói dưới đây là các sợi cơ nhĩ hoạt động không đồng thời với nhau: Lúc sợi này co bóp thì sợi kia nghỉ ngơi, không có thời kỳ nhĩ thu mà cũng chẳng có thời kỳ nhĩ trương nữa?
Nhìn không còn thấy hai 'tai" đập nhịp nhàng như ở tim người bình thường nữa, mà chỉ còn thấy các sợi cơ nhĩ co bóp và giãn nghỉ lộn xộn, (một số sợi cơ co bóp thì một số sợi khác lại giãn nghỉ)
Có người: đã so sánh tâm nhĩ trong bệnh này như đang rung, đang run, như một đám giun ngọ nguậy, nên gọi là rung nhĩ, hoặc run thở nhĩ.
Hai tâm nhĩ đã không co bóp nữa, mà chỉ rung lên như vậy thì ảnh hưởng thế nào đến hoạt động của quả tim?
Một là tim đập không đều. Bình thường tâm nhĩ co bóp đều đặn 70 lần mỗi phút, tức là cũng 70 lần truyền lệnh cho tâm thất co bóp theo, nghe tim thấy đập đều với tần số 70. Nhưng khi các sợi cơ nhĩ đã hoạt động loạn xạ như vậy, các mệnh lệnh gửi xuống tâm thất lúc có lúc không, lúc nhanh lúc chậm, nghe tim thấy các tiếng tim lúc mạnh lúc yếu, lúc thưa lúc mau, lúc khoan như gió thoảng ngoài, lúc mau sầm sập như trời đổ mưa. Ðó là loạn nhịp hoàn toàn, dấu hiệu chắc chắn của rung nhĩ
Hai là các mệnh lệnh từ tâm nhĩ xuống, tuy không đều, nhưng lại quá nhiều, mỗi phút không phải 70 bệnh, mà là 400-600 lệnh. Mặc dù các xa lộ thông tin đều ngăn chặn bớt, song các xung động đến được tâm thất vẫn còn quá nhiều, làm 2 tâm thất co bóp rất nhanh, nghe thấy tim đập từ 100 đến 160 nhát trong mỗi phút. Ba là các tâm thất co bóp quá nhanh như vậy, làm cho máu từ tâm nhĩ xuống không kịp, thêm vào đó lại mất đi sức đẩy của nhĩ thu. Do đó, hiệu suất bơm máu giảm sút, quả tim tiêu hao nhiều sức lực mà hiệu quả vẫn ít, đẫn đến suy tim với khó thở, phù, gan to v. v.
Bốn là sau một thời gian các sợi cơ nhĩ co bóp lộn xộn như vậy, máu ứ đọng trong tâm nhĩ, dễ bị động lại thành những cục huyết gọi là huyết khối. Những huyết khối này có thể tách ra khỏi thành tâm nhĩ, di chuyển theo dòng máu xuống tâm thất, rồi vào các động mạch, đi khắp cơ thể và có thể gây ra nghẽn tắc các mạch máu ở nhiều nơi. Quan trọng nhất là nghẽn mạch não gây liệt nửa người: người rung nhĩ bị nghẽn mạch não nhiều gấp 5 lần người không rung nhĩ. Mỗi năm, cứ 100 bệnh nhân bị rung nhĩ thì có 4-7 người bị nghẽn mạch não. Ngoài ra nghẽn mạch còn có thể xảy ra ở phổi, ở các chi v. v. . .
Bốn hậu quả đó gây rất nhiều vấn đề cho sức khỏe, thậm chí cho tính mạng của người bệnh.
Nguyên nhân của rung nhĩ là gì?
Trong phần lớn trường hợp, nhất là ở người trẻ tuổi, nguyên nhân phổ biến nhất là các bệnh của van hai lá như hẹp hai lá, hở hai lá, vừa hẹp vừa hở. Sau đó một nguyên nhân cũng hay gặp ở người trẻ là bệnh chứng giáp, còn gọi là bệnh Basedow hay bệnh bướu cổ lồi mắt. Những nguyên nhân khác tìm khó hơn là các bệnh cơ tim, nhồi máu cơ tim, thông liên nhĩ v.v...
Nhưng có khoảng 30% trường hợp tìm không thấy nguyên nhân gọi là rung nhĩ vô căn đó là rung nhĩ ở người cao tuổi. Tuổi càng lớn thì rung nhĩ càng hay gặp; người 60-65 tuổi thì dù không có bệnh tim gì rõ rệt, cũng có 3-4% bị RN: Ðến lứa tuổi 70 tỷ lệ trên lên đến 18%. Hồng Kông là một vùng châu á, ít gặp bệnh tim, nhưng ở những người rung nhĩ trên 60 tuổi cũng có tới 1,3% bị rung nhĩ. Chẩn đoán rung nhĩ không khó lắm trong đa số trường hợp. Ðôi khi người bệnh có thể tự nghĩ đến rung nhĩ khi thấy trống ngực (tim đập rất mạnh như trống làng) có khi nhận thấy tim đập không đều, có nhiều trường hợp rung nhĩ xuất đầu lộ diện bằng các biến chứng kể trên như suy tim: người bệnh không những thấy trống ngực, hồi hộp, mà còn thấy khó thở, khi lên gác hoặc quét nhà cũng khó khăn. Cũng có khi rung nhĩ xuất hiện ngay bằng nghẽn mạch não gây liệt nửa người (bệnh nhân rung nhĩ bị liệt nửa người nhiều gấp 3-5 lần người bình thường), hoặc nghẽn mạch chi gây đau lạnh, liệt...; nghẽn mạch phổi gây đau và ho ra máu. Còn đối với bác sĩ có kinh nghiệm, những trường hợp dễ chỉ cần nghe tim cũng đã thấy loạn nhịp hoàn toàn. Nếu còn nghi ngờ, ghi điện tim là đủ để chẩn đoán chắc chắn.
Về điều trị rung nhĩ, nếu tìm được bệnh nguyên thì kết quả điều trị tốt hơn nhiều.
Trường hợp rung nhĩ do hẹp van hai lá, phải nong van hoặc thay van. Máu thông dễ dàng từ nhĩ xuống thất, sẽ giảm bớt căng giãn ở các sợi cơ nhĩ, và chấm dứt rung nhĩ.
Nếu rung nhĩ do hở van hai lá phải sửa van và nếu cần thì thay van. Tâm nhĩ bớt bị căng giãn do dòng máu phụt lên cỏ thể hết rung. Ðối với rung nhĩ do cường giáp hoặc bằng thuốc kháng giáp như PTU, hoặc bằng iod phóng xạ, hoặc bằng phẫu thuật.
Cuối cùng còn nhưng trường hợp rung nhĩ vô căn, điều trị ít kết quả hơn nhiều. Người ta có thể làm hết rung nhĩ bằng điện, hoặc bằng thuốc. Tuy nhiên có nhiều trường hợp không thể nào làm hết rung nhĩ được. Khi đó ít nhất cũng phải làm tim đập chậm lại cho bệnh nhân dễ chịu. Tùy trường hợp có thể cho thuốc digoxin, chẹn beta hoặc amiodaron. Ðó là những thuốc chuyên khoa rất khó dùng, nên bác sĩ chuyên khoa tim mạch mới kê đơn và theo dõi được.
Ngoài ra, để ngăn ngừa biến chứng nghẽn mạch, các bác sĩ còn cho thêm thuốc chống đông: đơn giản nhất là aspirin liều thấp, uống đều đặn hàng ngày trong nhiều năm.