Bạn đang truy cập: Trang chủ Thầy thuốc của bạn Tư vấn chữa bệnh Tìm hiểu về bệnh lý phòng động mạch chủ bụng, điều trị và phòng ngừa ?

Tìm hiểu về bệnh lý phòng động mạch chủ bụng, điều trị và phòng ngừa ?

Email In PDF.

Phình động mạch chủ là tình trạng động mạch chủ, một động mạch chính cung cấp máu cho cơ thể, bị yếu và phình ra ở một khu vực nào đó. Động mạch chủ, có độ dày bằng vòi tưới cây, xuất phát từ tim rồi chạy ra xuyên suốt trung tâm của ngực và bụng. Do động mạch chủ là nguồn cung cấp máu chính cho cơ thể nên khi túi phình động mạch chủ bị vỡ sẽ gây chảy máu nguy hiểm đến tính mạng. Mặc dù có thể bạn chưa bao giờ có bất kỳ một triệu chứng gì nhưng khi phát hiện ra rằng bạn đang bị phình động mạch chủ thì đó là một điều thật sự đáng sợ.

Hầu hết những túi phình nhỏ và phát triển chậm không bị vỡ, nhưng những túi phình lớn, phát triển nhanh thì có thể bị. Tùy thuộc vào kích thước và tốc độ phát triển của túi phình, phương pháp điều trị có thể thay đổi từ theo dõi sát cho đến mổ cấp cứu. Khi phát hiện ra bệnh nhân bị phình động mạch chủ, bác sĩ sẽ theo dõi sát để cho thể chuẩn bị phẫu thuật nếu cần thiết. Phẫu thuật cấp cứu phình động mạch chủ có thể nguy hiểm cho người bệnh.

TRIỆU CHỨNG

Túi phình động mạch chủ thường phát triển chậm và không có triệu chứng nên khó phát hiện. Một số túi phình không bao giờ vỡ. Nhiều túi phình khi mới xuất hiện nhỏ và vẫn giữ nguyên kích thước của nó trong khi một số trường hợp khác chúng lại lớn lên theo thời gian. Một số túi phình lớn chậm, tăng dưới 1 -2 cm mỗi năm. Một số khác lại phát triển nhanh làm tăng nguy cơ vỡ. Rất khó tiên đoán được tốc độ lớn của túi phình.

Khi túi phình phát triển, một số bệnh nhân có thể cảm thấy:

  • Cảm giác co giãn theo nhịp đập ở khu vực gần rốn nếu túi phình xuất hiện ở bụng
  • Tăng nhạy cảm hoặc đau ở bụng hoặc ngực.
  • Đau lưng.

Túi phình có thể xuất hiện ở bất cứ đâu dọc theo động mạch chủ nhưng thường xuất hiện ở bụng và được gọi là phình động mạch chủ bụng. Túi phình có thể xuất hiện ở khu vực cao hơn, nằm trong ngực và được gọi là phình động mạch chủ ngực.

Khi nào cần đến gặp bác sĩ

Bạn nên đến gặp bác sĩ nếu có bất kỳ triệu chứng nào đã được kể ở trên.

Bất kỳ ai trong độ tuổi từ 60 trở lên có nguy cơ bị phình động mạch chủ nên được tầm soát thường xuyên về bệnh này. Nam giới từ 65 - 75 tuổi đã từng có hút thuốc nên được tầm soát phình động mạch chủ bụng bằng siêu âm bụng. Nam giới từ 60 tuổi trở lên có tiền sử gia đình (có người thân trong gia đình) bị phình động mạch chủ bụng cũng nên được tầm soát.

Nếu bạn có tiền sử gia đình (có người thân trong gia đình) bị phình động mạch chủ, bác sĩ có thể sẽ khuyên bạn đisiêu âm thường xuyên để tầm soát.

NGUYÊN NHÂN

Phình động mạch chủ bụng

Khoảng 75% trường hợp phình động mạch chủ là xuất hiện ở bụng. Mặc dù nguyên nhân chính xác gây bệnh vẫn chưa được tìm ra nhưng những nhà nghiên cứu cho rằng có một số yếu tố có thể đóng vai trò nào đó trong sự xuất hiện bệnh, bao gồm:

  • Hút thuốc lá: hút thuốc lá ở những dạng khác nhau là một trong những yếu tố đáng kể nhất liên quan đến sự phát triển của túi phình. Ngoài những tác hại trực tiếp mà khói thuốc gây ra cho động mạch, nó góp phần gây xơ vữa động mạchtăng huyết áp, và làm cho túi phình phát triển nhanh hơn.
  • Tăng huyết áp. Đặc biệt là tăng huyết áp không được kiểm soát tốt có thể là tăng nguy cơ phát triển túi phình.
  • Nhiễm trùng động mạch chủ. Ở một số trường hợp hiếm gặp, phình động mạch chủ có thể là do quá trình nhiễm trùng hoặc viêm làm yếu một phần của thành động mạch. Thường có sự xuất hiện một cách có hệ thống của bệnh trong những thành viên trong cùng một gia đình, điều này có nghĩa là nó có thể có tính chất di truyền.

Phình động mạch chủ ngực

Khoảng 25% trường hợp túi phình xuất hiện ở ngực. Ngoài những yếu tố nguy cơ giống với phình động mạch chủ bụng được liệt kê ở trên, có thêm một số yếu tố khác cũng có thể dẫn đến phình động mạch chủ ngực bao gồm:

  • Hội chứng Marfan. Những người bị hội chứng Marfan khi vừa mới sinh ra, là một hội chứng di truyền ảnh hưởng đến mô liên kết của cơ thể, đặc biệt có nguy cơ bị phình động mạch chủ ngực. Những người bị hội chứng Marfan có thành động mạch chủ yếu dẫn đến dễ bị phình hơn. Những người bị hội chứng Marfan thường có những đặc điểm dễ nhận thấy như: vóc người cao, tay rất dài, biến dạng xương lồng ngực và vấn đề về mắt.
  • Đã từng bị tổn thương động mạch chủ trước đó. Bạn sẽ dễ bị phình động mạch chủ ngực nếu trước đây động mạch chủ của bạn đã từng gặp vấn đề, chẳng hạn như rách thành động mạch chủ (bóc tách động mạch chủ).
  • Chẩn thương. Một số người bị chấn thương do ngã hoặc tai nan giao thông có thể dễ bị phình động mạch chủ ngực.

Phình động mạch chủ khác với bóc tách động mạch chủ. Bóc tách động mạch chủ thường xảy ra ở cùng vị trí thường xuất hiện túi phình. Đối với bóc tách động mạch chủ, một vết rách xuất hiện trên thành động mạch chủ dẫn đến chảy máu vào và dọc theo thành động mạch, và ở một số trường hợp máu chảy hẳn ra ngoài động mạch chủ (vỡ). Bóc tách động mạch chủ là một tình trạng đe dọa tính mạng.

YẾU TỐ NGUY CƠ

Yếu tố nguy cơ của phình động mạch chủ bao gồm:

  • Tuổi: phình động mạch chủ bụng thường gặp ở những người trên 60 tuổi.
  • Thuốc lá. Thuốc lá là một yếu tố nguy cơ lớn gây phát triển túi phình. Bạn hút hay nhai thuốc càng lâu thì nguy cơ càng tăng lên.
  • Tăng huyết áp. Tăng huyết áp làm tổn thương các mạch máu trong cơ thể gây tăng nguy cơ phát triển túi phình.
  • Xơ vữa động mạch. Sự tích tụ chất béo và những chất khác có thể làm tổn thương niêm mạc các mạch máu tăng nguy cơ phình.
  • Nam giới. Nam giới bị phình động mạch chủ nhiều hơn nữ giới từ 5 đến 10 lần. Tuy nhiên, phụ nữ nếu bị phình thì có nguy cơ vỡ cao hơn nam.
  • Chủng tộc. Người da trắng dễ bị phình động mạch chủ hơn các chủng tộc khác.
  • Tiền sử gia đình. Những người có tiền sử gia đình bị phình động mạch chủ cũng bị gia tăng yếu tố nguy cơ mắc bệnh. Những người này có khuynh hướng dễ mắc bệnh khi còn trẻ và có nguy cơ bị vỡ cao.

BIẾN CHỨNG

Rách thành động mạch và vỡ là những biến chứng chính của phình động mạch chủ bụng. Vỡ túi phình động mạch chủ có thể gây xuất huyết nội đe dọa tính mạng. Thông thường thì túi phình càng to, nguy cơ vỡ càng lớn.

Dấu hiệu và triệu chứng báo hiệu túi phình bị vỡ:

  • Đau bụng, ngực, lưng xuất hiện đột ngột, dữ dội và kéo dài.
  • Đau lan ra sau lưng và xuống chân.
  • Vã mồ hôi
  • Lạnh ẩm
  • Hoa mắt, chóng mặt
  • Hạ huyết áp
  • Mạch nhanh
  • Mất ý thức
  • Thở nông

Những biến chúng khác của phình động mạch chủ là nguy cơ bị huyết khối. Huyết khối nhỏ có thể phát triển ở khu vực có túi phình. Nếu cục huyết khối bị bong ra khỏi thành của túi phình nó có thể di chuyển đến để làm nghẽn các mạch máu ở những vị trí khác trong cơ thể, nó có thể gây đau hoặc chặn không cho máu đến nuôi chân, ngón chân hoặc những cơ quan bên trong bụng.

CHUẨN BỊ ĐI KHÁM BỆNH

Do nhiều trường hợp phình động mạch chủ thường được phát hiện khi khám sức khỏe định kỳ hoặc khi bác sĩ đang khám để tìm một bệnh khác nên không cần thiết phải chuẩn bị đặc biệt gì khi đi khám. Nếu bạn đang được tầm soát phình động mạch chủ, bác sĩ sẽ có thể hỏi xem có ai trong gia đình bạn bị phình động mạch chủ hay không, do đó, hãy chuẩn bị thông tin này để trả lời.

Bạn nên hỏi bác sĩ về kích thước túi phình của mình và ông/bà ta có nhận thấy sự thay đổi gì ở nó hay không, và số lần tái khám mà bạn nên thực hiện nếu như bác sĩ không đề cập đến những vấn đề trên.

Nếu bạn được siêu âm bụng để chẩn đoán phình động mạch chủ, bác sĩ có thể sẽ nói rằng bạn cần phải nhịn ăn hoặc uống bất kỳ thứ gì trong vòng 9 đến 12 giờ trước khi siêu âm. Hầu hết các trường hợp sẽ được siêu âm vào buổi sáng nên ngày hôm trước bạn có thể ăn sớm hơn một chút là được.

KHÁM VÀ CHẨN ĐOÁN

Hầu hết các trường hợp phình động mạch chủ bụng được phát hiện khi bệnh nhân đến khám vì một lý do khác. Chẳng hạn như trong khi khám sức khỏe tổng quát, bác sĩ sẽ cảm thấy có một túi đập theo nhịp mạch ở bụng bệnh nhân mặc dù có thể bác sẽ không thể nghe thấy các dấu hiệu của phình qua ống nghe. Phình động mạch chủ thường được tìm thấy trong khi thực hiện các nghiệm pháp cận lâm sàng khi khám sức khỏe tổng quát, chẳng hạn như chụp X quang ngực hoặc siêu âm tim hay bụng, đôi khi được thực hiện vì một lý do khác.

Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn bị phình động mạch chủ, một số nghiệm pháp đặc biệt sẽ được sử dụng để xác nhận lại, bao gồm:

  • Siêu âm bụng. Có thể giúp chẩn đoán phình động mạch chủ bụng. Khi siêu âm, bạn sẽ được nằm ngửa trên bàn khám, một ít gel ấm sẽ được bôi lên bụng. Gel sẽ giúp loại ra sự hình thành các bóng khí giữa cơ thể và dụng cụ mà kỹ thuật viên dùng để quan sát động mạch chủ được gọi là đầu dò siêu âm. Kỹ thuật viên sẽ ấn đầu dò sát da trên bụng và di chuyển nó từ nơi này sang nơi khác. Đầu dò sẽ gửi hình ảnh đến màn hình máy vi tính để có thể kiểm tra được nguy cơ phình.
  • CT scan. Có thể giúp bác sĩ có được một hình ảnh rõ ràng của động mạch chủ. Khi chụp CT, bạn sẽ nằm trên một bàn ở phía trong một cỗ máy có hình giống chiếc bánh rán. Đầu dò bên trong máy sẽ đo được lượng tia X đi xuyên qua cơ thể bạn đến tiếp xúc với nó và chuyển thành tín hiệu điện tử. Máy vi tính sẽ thu thập những tín hiệu này và chuyển chúng thành thang màu từ đen đến trắng tùy thuộc và đậm độ của tín hiệu. Máy vi tính sẽ tập hợp các hình ảnh này lại và hiển thị chúng ra màn hình.
  • Cộng hưởng từ (MRI - Magnetic resonance imaging). MRI cũng là một xét nghiệm không gây đau. Hầu hết các máyMRI chứa một lõi nam châm có hình dạng như chiếc bánh rán hoặc hình ống. Bạn được đặt nằm trên một chiếc bàn có thể di chuyển được và trượt dần vào ống. Từ trường sẽ làm cho các mảnh nguyên tử sắp thẳng hàng trong một số tế bào trong cơ thể. Khi sóng radio được truyền đến các mảnh nguyên tử được sắp thẳng hàng này, chúng sẽ tạo ra những tín hiệu khác nhau tùy thuộc vào loại mô của nó. Bác sĩ có thể sử dụng hình ảnh tạo ra từ những tín hiệu này để xác định xem bạn có bị phình hay không.

Tầm soát định kỳ cho những người có nguy cơ phình động mạch chủ bụng.

Do phình động mạch chủ thường không gây ra triệu chứng gì nên bất kỳ ai trên 60 tuổi và có yếu tố nguy cơ đều nên được tầm soát thường xuyên. Nam giới từ 65 - 75 tuổi đã từng có hút thuốc nên được khám tầm soát phình động mạch chủ bụng qua siêu âm bụng. Nam giới trên 60 tuổi có tiền sử gia đình bị phình động mạch chủ bụng cũng nên được khám tầm soát.

ĐIỀU TRỊ

Mục tiêu điều trị là ngăn không cho túi phình bị vỡ. Thông thường các lựa chọn điều trị sẽ là quan sát và chờ đợi hoặc phải phẫu thuật. Quyết định phụ thuộc vào kích thước của túi phình và tốc độ lớn của nó. Dưới đây là một số hướng dẫn chung trong điều trị phình động mạch chủ bụng:

  • Túi phình nhỏ. Nếu túi phình nhỏ - có đường kính khoảng 4cm trở xuống - và không có triệu chứng, bác sĩ có thể sẽ đề nghị theo dõi hơn là phẫu thuật. Thông thường, các túi phình nhỏ không cần thiết phải phẫu thuật do nguy cơ của cuộc phẫu thuật lớn hơn nguy cơ vỡ.

Nếu bạn chọn cách này, bác sĩ sẽ theo dõi túi phình bằng siêu âm định kỳ, thường là mỗi 6 đến 12 tháng, và khuyến khích bạn thông báo ngay lập tức nếu như bạn bắt đầu thấy nhạy cảm ở thành bụng hoặc đau lưng - là những dấu hiệu nguy cơ của bóc tách hoặc vỡ.

  • Túi phình trung bình. Có kích thước từ 4 - 5.5cm. So sánh nguy cơ giữa hai lựa chọn: phẫu thuật và theo dõi trở nên không rõ ràng. Bạn sẽ phải cần thảo luận với bác sĩ về những lợi ích và nguy cơ giữa theo dõi và phẫu thuật để có thể tìm ra được lựa chọn tốt nhất.
  • Túi phình lớn hoặc phát triển nhanh. Nếu túi phình lớn (lớn hơn 5.5cm), hoặc phát triển nhanh (trên 0.5cm trong vòng 6 tháng), rò rỉ, căng hoặc đau, có thể bạn sẽ cần phải phẫu thuật. Phẫu thuật để điều trị phình động mạch chủ bao gồm việc cắt bỏ vùng bị tổn thương trên động mạch chủ và thay thế nó bằng một ống nhân tạo được khâu vào tại chỗ. Phẫu thuật này cần phải mở bụng hoặc mở ngực và có thể mất đến 6,7 tháng để hồi phục hoàn toàn.

Bạn cũng có thể thực hiện một cuộc phẫu thuật ít xâm lấn hơn bằng cách can thiệp nội mạch. Bác sĩ sẽ gắn ống ghép nhân tạo vào đầu tận của một ống nhỏ (catheter) được đặt vào động mạch ở chân và luồn đến động mạch chủ. Ống ghép - ống được phủ bằng lưới kim loại - được đặt ở vị trí túi phình và được giữ chặt lại bằng những đinh ghim hoặc móc nhỏ. Ống ghép sẽ gia cố cho khu vực bị yếu của động mạch chủ để ngăn không cho túi phình bị vỡ.

Thời gian phục hồi cho những bệnh nhân được phẫu thuật can thiệp nội mạch ngắn hơn so với bệnh nhân phải mở ngực hoặc mở bụng - từ 1 đến 2 tuần so với 6 tuần đối với mổ hở. Các nghiên cứu cho thấy rằng những người được can thiệp nội mạch cũng có tỷ lệ tử vong và biến chứng do túi phình thấp hơn.

Điều trị phình động mạch chủ ngực

Nếu bạn bị phình động mạch chủ ngực, thường sẽ được phẫu thuật nếu như kích thước túi phình vào khoảng 5.5cm hay lớn hơn. Nếu bạn bị hội chứng Marfan hoặc có tiền sử gia đình bị bóc tách động mạch chủ, bác sĩ sẽ khuyên bạn nên phẫu thuật ngay cả khi túi phình có kích thước nhỏ hơn giá trị trên.

Đối với những người bị hội chứng Marfan, thuốc chẹn beta cũng được chứng minh là có tác dụng làm chậm lại tiến trình phát triển của túi phình động mạch chủ ngực.

Phẫu thuật cấp cứu

Mặc dù có thể sửa chữa túi phình vỡ trong một cuộc mổ cấp cứu nhưng nguy cơ của nó sẽ cao hơn rất nhiều và bệnh nhân có rất ít cơ hội sống sót. Nhiều bệnh nhân bị phình động mạch chủ vỡ tử vong trước khi họ đến được bệnh viện.

Có nên điều trị ngoại khoa đối với phình động mạch chủ ngực hay không phụ thuộc vào bạn có bị những bệnh nào khác không, chẳng hạn như hội chứng Marfan, và vị trí của túi phình.

PHÒNG NGỪA

Không có thuốc nào có thể dùng để phòng ngừa phình động mạch chủ. Các nhà nghiên cứu nghĩ rằng các thuốc thuộc nhóm statin và một số loại kháng sinh có thể làm chậm lại tiến tình phát triển của túi phình động mạch chủ. Ngoài ra cũng có một số bằng chứng cho thấy thuốc chẹn thụ thể angiotensin losartan (Cozaar) có thể phòng ngừa được sự hình thành của túi phình.

Hiện nay các phòng ngừa phình động mạch chủ tốt nhất là giữ cho các mạch máu của bạn ở tình trạng khỏe mạnh nhất có thể. Điều đó có nghĩa là hãy thực hiện một số bước sau:

  • Kiểm soát huyết áp tốt.
  • Không hút thuốc lá
  • Tập thể dục thường xuyên
  • Giảm cholesterol và chất béo trong bữa ăn.

Đặc biệt quan trọng là bỏ dùng thuốc lá do hút hoặc nhai thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ túi phình phát triển.

Nếu bạn có một số nguy cơ phình động mạch chủ, hãy trao đổi với bác sĩ. Nếu bạn đang có nguy cơ, bác sĩ sẽ tư vấn thêm một số biện pháp cộng thêm bao gồm thuốc để làm hạ huyết áp và giải tỏa áp lực trên các động mạch bị yếu. Bạn cũng có thể cần phải siêu âm tầm soát mỗi vài năm một lần.

Ý kiến bạn đọc (0)add comment

Viết Ý kiến bạn đọc
Thu nhỏ cửa sổ | Phóng to của sổ

busy
 

gigigi

2013-09-12 191209

Tiện ích