Bạn đang truy cập: Trang chủ Nhân ái Những tấm lòng tốt Để một trái tim không lỡ nhịp

Để một trái tim không lỡ nhịp

Email In PDF.

Để một trái tim không lỡ nhịp

ANTĐ - Lúc sư thầy Thích Tịnh Hiếu bế đứa trẻ mới hơn 1 tuổi ốm sắp chết đi gõ cửa mấy bệnh viện trên Hà Nội, không ít người dân dưới quê đã ái ngại cho bà: “Đúng là làm phúc phải tội, ai đời đến ngần này tuổi lại phải đi nuôi con mọn. Đứa nhỏ bệnh tật hiểm nghèo thế kia, thầy lấy đâu ra tiền mà chạy chữa cho nó”. Thế nhưng thầy vẫn đi, tay bồng con, miệng niệm Phật, cuối cùng bằng niềm tin và tấm lòng của thầy, cái sinh linh ấy cũng thoát khỏi tay thần chết.


Sư thầy Thích Tịnh Hiếu và bé Minh Tuệ
ANTĐ - Lúc sư thầy Thích Tịnh Hiếu bế đứa trẻ mới hơn 1 tuổi ốm sắp chết đi gõ cửa mấy bệnh viện trên Hà Nội, không ít người dân dưới quê đã ái ngại cho bà: “Đúng là làm phúc phải tội, ai đời đến ngần này tuổi lại phải đi nuôi con mọn. Đứa nhỏ bệnh tật hiểm nghèo thế kia, thầy lấy đâu ra tiền mà chạy chữa cho nó”. Thế nhưng thầy vẫn đi, tay bồng con, miệng niệm Phật, cuối cùng bằng niềm tin và tấm lòng của thầy, cái sinh linh ấy cũng thoát khỏi tay thần chết.


Sư thầy Thích Tịnh Hiếu và bé Minh Tuệ

Nặng một chữ “duyên”


PGS.TS Nguyễn Hữu Ước - Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch bệnh viện Việt Đức vẫn nhớ như in cái buổi sáng cách đây hơn 1 tháng, khi một phụ nữ mặc quần áo nâu sồng đứng trước mặt ông với đứa trẻ trên tay. Ông nhớ bởi đây là lần đầu tiên một bệnh nhi vào khoa ông phụ trách mà không có bố mẹ hay người thân đi kèm, thay vào đó lại là một sư nữ: một trường hợp rất đặc biệt.

Ngay từ những xét nghiệm ban đầu cháu bé đó đã được nhận định là bị dị tật tim bẩm sinh Fallot 4. Đây là một thể dị tật tim rất nặng với những biểu hiện ban đầu là mặt mũi bé tím tái, ho rất dữ - bác sỹ Ước nói. Tranh thủ lúc vắng người bác sỹ Ước mới có thời gian tiếp xúc với nhà sư để tìm hiểu lý do tại sao lại đưa cháu bé đi viện. Ông nhớ lại: Bấy giờ, nhà sư kia cũng phải chịu khá nhiều ánh mắt dò xét từ các bệnh nhân đang điều trị trong khoa, người ta cứ xì xầm bàn tán nhau đầy vẻ ác ý: “Lạ nhỉ, tu hành sao lại có con?” hoặc “Hay là nhà chùa có âm mưu gì?”. Gặng mãi cuối cùng ông mới biết căn nguyên việc tới bệnh viện của sư thầy Thích Tịnh Hiếu bắt nguồn từ một buổi sáng tháng 6-2011.

Trùng Quang là một ngôi chùa nhỏ nằm ven Quốc lộ 5 thuộc thôn Phong Cốc xã Minh Đức, huyện Mỹ Hào, Hưng Yên. Sáng hôm ấy, như thường lệ thầy Hiếu dậy từ sớm để chuẩn bị làm lễ cho một số phật tử trong thôn thì bất ngờ một phụ nữ còn rất trẻ, chỉ độ 20 tuổi tay bế đứa con vào gặp thầy xin nước uống. Cửa Phật lúc nào cũng rộng mở cho những người lỡ độ đường nên thầy chẳng ngại ngần bế giúp đứa nhỏ để người mẹ trẻ kia ra giếng múc nước rửa mặt. Rót sẵn ly nước chờ khách, thầy Hiếu cứ như bị thôi miên bởi nụ cười của đứa nhỏ mà quên bẵng đi người mẹ trẻ. Thế rồi đợi mãi cũng không thấy cô ấy quay trở vào uống nước, thầy Hiếu ra tìm thì không thấy đâu nữa. Đến quá trưa thì thầy chắc chắn, người mẹ ấy đã bỏ đứa con lại cho nhà chùa. Lần tìm trong chiếc túi nhỏ đựng đồ, thầy Hiếu thấy một tờ giấy ghi vẻn vẹn mấy dòng: “Vì điều kiện không cho phép nên con không thể nuôi được cháu. Con xin cúng lại cho nhà chùa đứa bé này. Trăm sự nhờ các thầy giúp đỡ”.

Trụ trì chùa này đã lâu, cũng đã từng nuôi cô nhi bị bỏ rơi nên thầy Hiếu không quá bất ngờ trước sự việc. Nhìn sinh linh bé nhỏ ấy, thầy chỉ nghĩ: Âu cũng là cái duyên của đứa nhỏ với chốn thiền môn. Chỉ e là đứa trẻ mới được vài tháng tuổi, lại là con gái, không đâu ra sữa mẹ cho nó bú. Thôi thì thầy đành nuôi “bộ” vậy. Thế là bé Vũ Thị Minh Tuệ “nhập hộ khẩu” vào nhà chùa.

Những người tích “đức” cho đời

Câu chuyện đến đây thì sẽ chẳng có gì để nói tiếp, và cái sự “nuôi con” của một nhà sư cũng sẽ bị cuốn đi trong mớ ngẫu sự đời thường nếu như bé Minh Tuệ không mắc một chứng bệnh hiểm nghèo phải cần đến sự giúp đỡ của các y bác sỹ khoa Phẫu thuật tim mạch - bệnh viện Việt Đức.

Thực ra, trước khi đến bệnh viện Việt Đức, bé Tuệ đã được đưa đến một số trung tâm y tế khác, nhưng thấy tình trạng bé quá nặng nên họ đều từ chối. Thầy Hiếu bảo: “Lúc đầu, tôi cũng không biết con mắc bệnh gì, chỉ nghĩ nó viêm phế quản vì ho rất dữ”. Đến khi các bác sỹ thông báo, bé Tuệ bị tim bẩm sinh thì thầy Hiếu tái mặt. Một ca mổ tim tốn 50 triệu đồng thì nhà chùa lấy đâu ra. May cho thầy (hay đúng ra là may cho bé Tuệ) đang lúc khó khăn thì một người quen mách thầy nên đưa tới bệnh viện Việt Đức. Có thể tại đó, các bác sỹ sẽ xin hộ kinh phí phẫu thuật cho bé từ chương trình “Vì trái tim trẻ thơ”.

Khi đã rõ hoàn cảnh éo le của bệnh nhân đặc biệt này, bác sỹ Nguyễn Hữu Ước quyết định sẽ cứu bằng được cháu bé. Tuy nhiên để đi tới quyết định đó, ông phải đứng trước một lựa chọn vô cùng khó khăn: Vì tình trạng cháu bé khá nặng nên tỉ lệ rủi ro khi mổ là rất lớn. Điều đó đồng nghĩa với việc nếu ca mổ không thành công thì toàn bộ chi phí phẫu thuật sẽ không được chương trình “Vì trái tim trẻ thơ” thanh toán. Hay nói cách khác, nếu không cứu được bé Tuệ thì các bác sỹ chỉ còn cách tự bỏ tiền túi ra mà trả cho ca mổ. Không mổ, chắc chắn bé Tuệ sẽ chết, nếu mổ thì tỉ lệ thành công rất nhỏ nhưng dẫu sao cũng vẫn còn hy vọng. Đây là một vụ đặt cược. Cái giá phải trả không chỉ là tính mạng bé Tuệ mà còn là uy tín và lòng tự trọng của toàn bộ khoa Phẫu thuật tim mạch - bệnh viện Việt Đức.

5 tiếng đồng hồ trong phòng phẫu thuật hôm đó dài như 5 ngày. Đích thân bác sỹ Ước cầm dao trực tiếp mổ cho bé Tuệ. Khi ca mổ bắt đầu, thầy Thích Tịnh Hiếu cầm chiếc chuông nhỏ đứng dưới một gốc cây ngoài sân lặng lẽ tụng kinh. Thầy tin, Phật sẽ chứng cho tấm lòng của các bác sỹ mà độ cho số phận của sinh linh bé bỏng nhưng đầy bất hạnh mà thầy đã cưu mang suốt mấy tháng trời.

Cuối cùng thì sự quyết tâm của các bác sỹ cũng được đền đáp. Những ngày hậu phẫu đầy căng thẳng cũng trôi qua, bé Tuệ dần dần hồi phục. Bây giờ thì bé Tuệ đã tỉnh, đã có thể ê a chơi đùa. Thầy Hiếu đã có thể mỉm cười và các bác sỹ đã có thể trút được gánh nặng suốt những ngày qua. Riêng tôi, cứ nghĩ mãi về câu chuyện này: Nếu sư thầy không nhận nuôi đứa trẻ, chỉ việc bàn giao lại cho chính quyền, chắc chắn sư thầy không khổ sở và vất vả suốt mấy tháng trời. Và, nếu các bác sỹ của bệnh viện Việt Đức cũng từ chối phẫu thuật như chỉ định của ngành y, cũng coi như bó tay giống các cơ sở y tế khác thì họ cũng chẳng phải đứng trước nguy cơ “rước nợ vào người”.

Và nếu như cả 2 chữ “nếu” kia xảy ra thì chắc chắn bé Tuệ không còn tồn tại trên cõi đời này nữa. May thay, trên đời vẫn có những người không đặt ra chữ “nếu” khi đứng trước lương tâm của chính mình.

Nguyễn Long

Ý kiến bạn đọc (0)add comment

Viết Ý kiến bạn đọc
Thu nhỏ cửa sổ | Phóng to của sổ

busy
 

gigigi

2013-09-12 191209

Tiện ích