Bạn đang truy cập: Trang chủ Nhân ái Những tấm lòng tốt Cuộc đấu trí những 'bàn tay vàng' trên bàn mổ

Cuộc đấu trí những 'bàn tay vàng' trên bàn mổ

Email In PDF.

Cuộc đấu trí những 'bàn tay vàng' trên bàn mổ

10.10.2012 09:19

Bắt đầu từ những cuộc hội chẩn trước hàng trăm ca mổ tim với nguy cơ rủi do cao, mục tiêu duy nhất mà các bác sĩ khoa phẫu thuật Tim mạch BV Việt Đức hướng tới là làm thế nào để những trái tim không lỗi nhịp. Đối mặt giữa sự sống và cái chết, người thầy thuốc quyết tâm làm tất cả để cứu sống con tim.

Sức mạnh của niềm tin
Hai năm trước, một bé gái đỏ hỏn bị mẹ đẻ bỏ lại cho sư thầy ở chùa Trùng Quang, huyện Mỹ Hào, Hưng Yên khi mới được vài tuần tuổi. Sư thầy Thích Tịnh Hiếu đã đặt cho bé cái tên Minh Tuệ với niềm hy vọng ánh sáng trí tuệ sẽ soi đường cho bé đến với tương lai tốt đẹp. Nhưng nỗi lo cứ lớn dần khi Minh Tuệ luôn ốm yếu với những cơn ho kéo dài và sư thầy thường xuyên phải bế bé đi bệnh viện.
Sư thầy Thích Tịnh Hiếu đưa bé Minh Tuệ trở lại viện khám sau mổ
Bản thân nhà sư cũng không hiểu bé mắc bệnh gì, tại sao nhiều sơ sở y tế từ chối không chữa trị? Sau đó, các bác sĩ cũng thông báo cho sư thầy biết bé Tuệ bị bệnh tim bẩm sinh và để tiến hành phẫu thuật sẽ tốn rất nhiều tiền. Sư thầy Tịnh Hiếu choáng váng, vì nhà chùa không thể có số tiền 50 triệu để cứu cháu bé. Đang trong cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, có người mách thầy mang Minh Tuệ đến BV Việt Đức với hy vọng “các bác sĩ ở đây sẽ kêu gọi kinh phí để phẫu thuật cho bé”.
PGS – TS Nguyễn Hữu Ước, Trưởng khoa phẫu thuật Tim mạch, BV Việt Đức vẫn không quên hình ảnh một phụ nữ mặc đồ nâu sòng bế trên tay đứa trẻ mặt mũi tím tái, nhìn ông như cầu cứu. Ngay từ những xét nghiệm đầu tiên đã xác định Minh Tuệ bị dị tật bẩm sinh Fallot 4 ở thể nặng. Không khí trong phòng hội chẩn chùng xuống, mọi người đều tiên lượng tỷ lệ thành công của ca phẫu thuật này rất ít.

Nếu ca mổ thất bại, toàn bộ chi phí phẫu thuật sẽ không được nhà tài trợ “trái tim cho em” thanh toán và trong tình huống đó, các bác sĩ sẻ phải bỏ tiền túi ra để bù trả. Nghiêm trọng nhất khi tính mạng của bé Minh Tuệ mất đi, cũng đồng nghĩa với việc uy tín, lòng tự tin của toàn bộ khoa Tim mạch bị tổn thất… Bất chấp mọi rủi ro, các bác sĩ quyết tâm mổ cho cháu bé.
Ca phẫu thuật tim đầy cân não.
Đích thân bác sĩ Ước trực tiếp cầm dao mổ. Ca mổ kéo dài 5 tiếng đồng hồ mà tưởng như 5 ngày trời, với sự đấu trí, cân não “phải cứu sống bé Tuệ bằng mọi giá”. Khi bé Tuệ được đưa vào phòng mổ, thầy Thích Tịnh Hiếu đứng dưới gốc cây ngoài sân bệnh viện bắt đầu tụng kinh với niềm tin Đức Phật sẽ chứng cho tấm lòng của các bác sĩ và “gia hộ” cho Minh Tuệ, để sinh linh bé bỏng đầy bất hạnh vượt qua cơn bạo bệnh.
Đấu trí trên bàn mổ
Hết ca mổ này đến ca mổ khác, khoảng cách mong manh giữa sự sống và cái chết luôn là nỗi trăn trở đối với người bác sĩ. Bác sĩ Ước chia sẻ: “Tâm lý của người bác sĩ trước ca mổ rất căng thẳng với rất nhiều câu hỏi. Làm thế nào đây để rủi do thấp nhất và tỷ lệ thành công cao nhất? Chọn lựa giải pháp sửa chữa, thay thế, trang thiết bị loại nào để tiết kiệm chi phí phẫu thuật ở mức tối đa cho người bệnh…”
Không ai có thể tưởng tượng được trạng thái tâm lý của người bác sĩ khi họ bắt đầu đường mổ đầu tiên trên cơ thể người bệnh, đối diện với trái tim đang ứa máu trong từng nhịp rung yếu ớt. 5 tiếng đồng hồ căng mắt dõi theo hàng trăm mạch máu, xử lý từng thương tổn của con tim… chỉ cần một giây chậm trễ, một nút thắt – mở sai, vị trí van tim bị lệch, bệnh nhân sẽ phải trả giá bằng tính mạng.
Thực tế, những trường hợp bệnh càng nặng, rủi do càng cao vì mổ khó và phức tạp, có sống tỷ lệ thành công cũng không lớn, chi phí phẫu thuật lại rất cao. Trước tình thế đó, dù chỉ còn 1% hi vọng sống các gia đình vẫn sẵn sàng ký giấy mổ cho con em mình. Chữ ký đó đồng nghĩa với việc họ đặt tất cả niềm tin vào đội ngũ thầy thuốc với hy vọng duy nhất “con mình được cứu sống”. Trong hoàn cảnh đó, các bác sĩ hiểu rằng, bản thân họ đang gánh trên vai gánh nặng của “đức tin” về sự sống.
Cuộc chiến sau phẫu thuật
Ca mổ thành công nhưng chuyển sang phòng hậu phẫu rồi, quả tim bé nhỏ ấy có đập lại nữa hay không? Câu hỏi này thật khó đối với các bác sĩ, y tá, điều dưỡng, những người trực tiếp ở bênh cạnh bệnh nhân mỗi ngày trong phòng chăm sóc đặc biệt, khi phải đối mặt với nhiều tình huống căng thẳng, đồng thời cũng là “cuộc chiến” sau phẫu thuật của chính những bệnh nhân.
Sau ca mổ, bé Mai ở Hà Nội đã trải qua gần 4 tuần nằm trong phòng hậu phẫu. Tình trạng rất nguy kịch, lồng tử giãn hết, Mai hôn mê hoàn toàn, các bác sĩ xác định “bé sẽ chết”. Bên ngoài hành lang phòng hậu phẫu, cách đó chỉ vài bước chân, bố mẹ bé Mai không hề biết đến cơn nguy kịch của con và trong lòng họ không hề nghĩ đến việc con mình sẽ chết.
Vợ chồng họ mới cưới nhau, Mai là đứa con đầu lòng, là thứ tài sản quý giá nhất đối với họ và khi đưa con vào phòng mổ, dù biết là ngàn trùng nguy hiểm, nhưng họ vẫn có niềm tin sẽ lại nhìn thấy nụ cười của bé... Dù trong vô vọng, không ai nghĩ đến việc bé sẽ "ra đi”. Ngay trên đầu giường bé Mai treo những quả bóng với dòng chữ “Mai ơi cố lên!”.

Và như có phép lạ, một ngày trái tim bé bỏng của Mai rung lên những nhịp đập yếu ớt, bé Mai mở mắt nhìn xung quanh… Cô bé trở về trong vòng tay yêu thương của bố mẹ cùng những giọt nước mắt vui mừng của tất cả y bác sĩ…
Bé Tuấn ngày lên khám lại
Bé Tuấn ở Hải Phòng vào viện khi mới 3 tháng tuổi. Mổ tim xong, nhưng phổi quá yếu nên bé không thể thở và tim cũng không đập lại được, bác sĩ phải dùng máy móc hỗ trợ cho bé. Nằm hàng tháng trời trong phòng chăm sóc đặc biệt, sức khỏe của Tuấn ngày càng tàn lụi vì bệnh tim nặng kéo theo nhiều biến chứng. Chỉ cần tháo máy móc ra là Tuấn sẽ ra đi vĩnh viễn. Hàng ngày nhìn Tuấn và những đứa trẻ bé bỏng nằm trên giường bệnh, trong tâm những y bác sĩ luôn cầu nguyện các bé đừng rời xa trần gian.
Điều dưỡng Nguyễn Xuân Vinh viết trong nhật ký của mình: “Phải cố lên con ạ… Từ ngày con sinh ra đến giờ chỉ biết đến một màu trắng, màu trắng của áo blouse, màu trắng của ga giường bệnh, từ sáng đến tối chỉ biết đến thuốc và những mũi tiêm… Ngoài kia có mặt trời, hoa cỏ dại và có cả những màu sắc khác đẹp hơn màu trắng mà con đã biết. Biết là khó, nhưng hãy vượt lên sự nghiệt ngã của số phận, con sẽ tìm được sự bình yên…”.
Bố mẹ bé Tuấn trải qua 3 tháng trời chờ đợi tin con với nhiều đêm thức trắng, mà thông tin về con vẫn mờ mịt. Nhiều đêm, họ gọi điện thoại cho điều dưỡng Vinh lúc 1-2h sáng chỉ để hỏi: “Anh ơi, con em sao rồi?”. “Làm sao có thể trả lời cho họ rằng 'bé Tuấn đang rất nguy kịch', làm sao có thể làm tan đi niềm hi vọng nhỏ nhoi đang cháy lên trong lòng đôi vợ chồng trẻ ấy", điều dưỡng Vinh nghẹn ngào nói.

Bé Tuấn vẫn nằm bên giàn máy móc, trang thiết bị hiện đại và ngày tháng vẫn trôi qua… cho đến ngày tiếng khóc vang lên trong phòng hậu phẫu. Các y bác sĩ mừng rơi nước mắt vì biết chắc rằng Tuấn đã được hồi sinh từ cõi chết.

Hương Trần (Xzone/TTTĐ)

Ý kiến bạn đọc (0)add comment

Viết Ý kiến bạn đọc
Thu nhỏ cửa sổ | Phóng to của sổ

busy
 

gigigi

2013-09-12 191209

Tiện ích