Bạn đang truy cập: Trang chủ Can thiệp tim mạch Can Thiệp tim mạch

Can Thiệp tim mạch

alt

Điều trị bệnh suy tĩnh mạch chi dưới mạn tính bằng sóng cao tần

Ở Việt nam, tỷ lệ suy tĩnh mạch chiếm vào khoảng 5 - 8% những người trưởng thành. Bệnh hay xảy ra phụ nữ có gia đình mang thai nhiều lần, những phụ nữ trẻ làm việc văn phòng phải đứng hay ngồi nhiều, những người béo phì và những bệnh nhân lớn tuổi.

Bệnh có thể đưa đến các biến chứng khá trầm trọng như giãn tĩnh mạch nông hay huyết khối tĩnh mạch sâu gây chảy máu, viêm tĩnh mạch hay tắc động mạch phổi gây tử vong và nhất là giảm đi rất nhiều chất lượng của cuộc sống.

Suy tĩnh mạch là gì?

Trong điều kiện sinh lý bình thường, máu hệ tĩnh mạch lưu chuyển từ hai chân về tim theo chiều từ dưới lên trên, ngược theo chiều của trọng lực, dù cơ thể đang ở tư thế đứng nhờ vào hệ thống van trong lòng tĩnh mạch. Khi các hệ thống van này bị hư hỏng, suy yếu, ngoài dòng máu sinh lý nói trên, trong lòng tĩnh mạch sẽ xuất hiện các dòng máu chảy theo chiều ngược lại, gọi là dòng trào ngược. Chính dòng trào ngược này gây ra các triệu chứng suy tĩnh mạch chân: đau, nặng, mỏi, vọp bẻ, phù chân… Vì vậy, theo quan điểm điều trị mới của y học ngày nay, cần phải loại bỏ dòng máu trào ngược là nguyên nhân gây ra triệu chứng.

Một ca điều trị viêm tĩnh mạch chi dưới bằng sóng cao tần

Trên thế giới có nhiều phương pháp để loại bỏ dòng máu trào ngược. Với sự phát triển của y học ngày nay, đi sâu tìm hiểu về cơ chế sinh bệnh của suy tĩnh mạch, ứng dụng các thành tựu, phát minh khoa học vào trong chẩn đoán và điều trị bệnh.

Một trong những ứng dụng mới nhất của y học hiện đại là sử dụng sóng cao tần nhằm loại bỏ dòng máu trào ngược trong điều trị suy tĩnh mạch mạn tính chi dưới, gọi tắt là RFA (radio frequency ablation).

Đây là phương pháp điều trị đã được Cơ quan Quản lý dược phẩm và điều trị Hoa Kỳ đồng ý cho áp dụng rộng rãi ở Mỹ. Ở Việt Nam, phương pháp này cũng được một số cơ sở điều trị và một số thầy thuốc của Hội Tĩnh mạch học TP.HCM áp dụng có kết quả tốt với những chỉ định đúng đã được hội đồng khoa học kỹ thuật của Hội thông qua.

Đốt bằng sóng cao tần (RFA) là gì?

RFA (Radiofrequency Ablation) là phương pháp hủy mô bằng nhiệt gây ra do bởi sự ma sát của các ion trong mô dưới tác động của dòng điện xoay chiều có tần số nằm trong khoảng sóng âm thanh (200 - 1.200 MHz). Dòng điện từ máy được truyền vào mô cơ thể qua một điện cực dạng kim (needle electrode), dòng sóng radio được truyền vào đầu kim và sinh nhiệt. Nhiệt do ma sát làm khô mô xung quanh dẫn đến làm mất nước trong tế bào và hoại tử đông phần mô cần hủy.

RFA nhằm mục đích loại bỏ dòng máu trào ngược trong tĩnh mạch hiển lớn, thường được thực hiện cho những bệnh nhân giãn tĩnh mạch chân độ 2 trở lên theo phân độ CEAP. Bệnh nhân suy tĩnh mạch đã điều trị nội khoa tích cực bằng thuốc và mang vớ áp lực hơn 1 tháng nhưng chưa thuyên giảm triệu chứng hay không cải thiện điểm độ nặng lâm sàng, siêu âm có dòng trào ngược trong hệ tĩnh mạch, cũng có thể điều trị bằng RFA.

Ưu điểm của RFA so với các phương pháp trước đây

- Tỉ lệ thành công cao trong việc loại bỏ dòng trào ngược (nguyên nhân gây bệnh).

- Ít đau, ít bầm máu. Có thể xuất viện trong ngày.

- Thẩm mỹ cao (chỉ với một vết mổ 0,3cm).

- An toàn, rất ít tai biến và biến chứng.

Do tính chất ít xâm lấn hơn, bệnh nhân sẽ hồi phục nhanh hơn so với nếu điều trị bằng phẫu thuật kinh điển. Bệnh nhân có thể đi lại nhẹ nhàng, trở lại với các hoạt động sinh hoạt hàng ngày trong 12 giờ ngay sau thủ thuật. Việc tập luyện và chơi thể thao sẽ trở lại bình thường sau 1 tuần.

Phương pháp điều trị bệnh suy tĩnh mạch này ngày càng được nhiều nước trên thế giới sử dụng.

PGS.TS.BS. Nguyễn Hoài Nam

 
Can thiệp thành công ca vỡ eo động mạch chủ  1

Can thiệp thành công ca vỡ eo động mạch chủ

Các bác sĩ Khoa Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực Bệnh viện (BV) Việt Đức vừa cứu sống một bệnh nhân vỡ eo động mạch chủ (ĐMC) do tai nạn xe máy bằng phương pháp can thiệp đặt Stent Graft. Đây là bệnh nhân vỡ eo ĐMC đầu tiên ở Việt Nam và là ca cấp cứu vỡ ĐMC ngực thứ hai may mắn được các bác sĩ BV Việt Đức cứu sống bằng phương pháp can thiệp tim mạch - đặt Stent Graft.

Một tai nạn tim mạch cấp cứu cực kỳ hiếm gặp

Bệnh nhân (BN) Ngô Thành D., 19 tuổi (Mê Linh, Hà Nội) sau khi được cứu sống đã không còn nhớ tai nạn xảy đến với mình. Tỉnh táo, nói chuyện được sau can thiệp đặt Stent Graft một ngày nhưng còn rất mệt, D. chỉ nhớ mình đi xe máy và bị một xe máy khác đâm vào. D. được đưa đến BV Việt Đức lúc 22h đêm 2/9 trong tình trạng lơ mơ, mạch 110 lần/phút, huyết áp tối đa ở tay phải 160mmHg. Kết quả xét nghiệm và hình ảnh chụp CT scanner cho thấy BN vỡ eo ĐMC gây tụ máu lớn ở trung thất và màng ngoài tim kèm chấn thương sọ não (giập não).

PGS.TS. Nguyễn Hữu Ước, Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch và Lồng ngực BV Việt Đức cho biết: Vỡ ĐMC do chấn thương là bệnh lý rất hiếm gặp. Vỡ eo ĐMC cũng như vậy. Eo ĐMC là đoạn giao nhau giữa quai ĐMC và ĐMC ngực. Một trung tâm ngoại khoa lớn như BV Việt Đức vài năm mới gặp 1 ca bởi đây là một chấn thương quá nặng. Đa phần BN bị vỡ đôi eo (vỡ tối cấp tính), gây chảy máu dữ dội vào khoang màng phổi và tử vong ngay không kịp đến BV, chẩn đoán được qua mổ tử thi. Một số trường hợp chỉ bị chấn thương - đụng giập vùng eo ĐMC, nên sau tai nạn BN thấy bình thường, một thời gian sau (thường vài tuần đến vài tháng, có khi hàng năm sau) vùng bị chấn thương sẽ giãn to ra tạo khối phồng hoặc giả phồng ĐMC (vỡ mạn tính). Đa số BN được mổ cứu sống ở tình huống này.
Trước đây, BV Việt Đức cũng đã điều trị thành công một số trường hợp chấn thương vùng eo ĐMC dạng vỡ mạn tính. Tuy nhiên, còn một tình huống tối cấp cứu gặp trong thực tế - có thể cứu sống BN nếu mổ hay can thiệp kịp thời, đó là eo ĐMC bị vỡ thực sự, tuy nhiên diện vỡ không quá rộng, nên thời gian đầu máu chảy ra ngoài được các tổ chức xung quanh chặn lại tạm thời, tạo một khối máu tụ rất lớn quanh ĐMC, sau vài giờ hoặc vài ngày, khối máu tụ này sẽ vỡ ra gây mất máu cấp dẫn đến tử vong, hầu như không thể phẫu thuật kịp được. Do chẩn đoán thể này rất khó, đòi hỏi tính chuyên khoa cao, nên cho đến nay vẫn rất hiếm gặp và hầu hết đều tử vong do điều trị không kịp thời. Trường hợp bệnh nhân D. là ở tình huống này.

Phương pháp tối ưu cứu sống người bệnh

Các bác sĩ đứng trước những lựa chọn: phẫu thuật cứu sống BN, can thiệp hoặc kết hợp cả phẫu thuật và can thiệp (Hybrid). Trước đây chỉ có giải pháp là phẫu thuật cứu sống người bệnh. Nhưng việc phẫu thuật vô cùng khó khăn, khả năng sống được vô cùng nhỏ vì eo ĐMC là vùng rất khó tiếp cận để xử lý các thương tổn. Hơn nữa, làm trong điều kiện cấp cứu chảy máu dữ dội; nếu kẹp được mạch để xử lý thương tổn thì cũng gây tổn thương não và các tạng khác trong cơ thể.
Do đó, nhiều khi BN tử vong không phải do chỗ vỡ mà do suy các chức năng khác (não, tạng, ruột...) do thiếu máu trong khi phẫu thuật. Biện pháp can thiệp bằng dụng cụ, tuy không thay thế được hoàn toàn phẫu thuật kinh điển, nhưng là một giải pháp tốt để cứu BN vì hạn chế được nguy cơ rủi ro, do thủ thuật đơn giản hơn nhiều, người bệnh hầu như không bị mất máu trong quá trình can thiệp, không gây biến chứng các cơ quan (nhất là bệnh nhân D. đang trong tình trạng bị giập não), kiểm tra được tình trạng bệnh nhân ngay sau khi can thiệp, không sẹo, không có đường mổ, hậu phẫu nhẹ nhàng. Các bác sĩ đã quyết định chọn phương án can thiệp đặt Stent Graft để có lợi nhất cho BN. Tuy nhiên, PGS.TS. Nguyễn Hữu Ước cũng chuẩn bị sẵn kíp phẫu thuật phòng trường hợp nếu phải bịt một số nhánh bên lớn của ĐMC - trong đó có động mạch nuôi não, thì sẽ mổ nối các mạch máu nuôi não đi theo con đường khác (phương án Hybrid). Rất may là bệnh nhân D. đã chỉ cần can thiệp đơn thuần.
Ca can thiệp diễn ra trong vòng 30 phút do PGS.TS. Nguyễn Hữu Ước làm trưởng kíp. BN đã được rút máy thở ngay sau đó, tỉnh táo, tiếp xúc được và tiếp tục được kiểm tra, theo dõi các vết thương ở não và vùng bụng kín.
 
alt

Phòng can thiệp-phẫu thuật tim mạch đầu tiên ở VN

hiều 10/5, Bệnh viện Việt Đức đã khai trương hệ thống chụp và can thiệp tim mạch Mini Cathlab đặt tại Khoa Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực.

Phó giáo sư Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, đây là phòng can thiệp-phẫu thuật tim mạch đầu tiên ở Việt Nam.

Hệ thống can thiệp tim mạch trên đã bắt đầu đi vào phục vụ bệnh nhân từ ngày 28/2/2013. Sau hơn 2 tháng đưa vào sử dụng, Bệnh viện Việt Đức đã thực hiện kỹ thuật can thiệp tim mạch an toàn cho hơn 70 bệnh nhân, với nhiều thể bệnh, nhiều kỹ thuật rất đa dạng và phức tạp gồm cả bệnh tim bẩm sinh, bệnh tim người lớn, bệnh động mạch chủ, bệnh mạch máu ngoại vi…

Tại buổi lễ, phó giáo sư Nguyễn Hữu Ước - Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực cho biết, hiện nay có bốn phương pháp chính điều trị các bệnh lý tim mạch là: Nội khoa (dùng thuốc), ngoại khoa (phẫu thuật), can thiệp tim mạch, can thiệp kết hợp phẫu thuật tim mạch (Hybrid).

Theo giáo sư Ước, tại Việt Nam, phương pháp điều trị nội khoa, ngoại khoa là hai phương pháp điều trị truyền thống, đã có nhưng bước phát triển đáng kể. Can thiệp tim mạch là một lĩnh vực tuy mới được phát triển trong những năm gần đây, song cũng đạt được những bước tiến vững chắc. Phương pháp can thiệp-phẫu thuật tim mạch, mặc dù đã phát triển rất mạnh trên thế giới, song mới đang trong quá trình xây dựng ở Việt Nam.

“Can thiệp-phẫu thuật tim mạch là một phương pháp điều trị bệnh tim mạch hiện đại, cho phép vừa làm can thiệp tim mạch, vừa làm phẫu thuật tim mạch ở cùng một thời điểm. Phương pháp này mang lại nhiều lợi ích to lớn như trong tình huống bệnh nhân có thương tổn tim mạch từ 2 vị trí khác nhau (đa thương tổn). Vì vậy, việc kết hợp can thiệp-phẫu thuật sẽ giảm số lần mổ cho bệnh nhân, tiết kiệm thời gian,” giáo sư Ước nhấn mạnh.

Đối với những bệnh nhân có thương tổn chỉ ở 1 nơi, nhưng vị trí rất phức tạp hoặc tình trạng quá kém (già yếu), rất khó phẫu thuật trực tiếp vào vị trí thương tổn do có nguy cơ rủi ro quá cao. Khi đó, điều trị bằng phương pháp Hybrid sẽ cho phép xử trí được một số bệnh mà y học trước đây đã bó tay./.


Thùy Giang (Vietnam+)

   
pt1-jpg-1362536753_500x0.jpg

Lần đầu can thiệp vỡ động mạch chủ không cần mổ

Lần đầu can thiệp vỡ động mạch chủ không cần mổ

Thay vì phẫu thuật can thiệp mổ mở cho bệnh nhân bị vỡ động mạch chủ bụng, các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) đã quyết định đặt stent.

Bệnh nhân là Ngọc Tuyên, 39 tuổi, Yên Mỹ, Hưng Yên được chuyển đến Bệnh viện Việt Đức tối 28/2. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng chấn thương động mạch chủ bụng, tràn máu tràn khí màng phổi 2 bên, vỡ gan độ 2.

Ca mổ đặt stent can thiệp vỡ động mạch chủ. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Theo lời kể của người nhà, anh Tuyên bị tai nạn khi đi xe máy va chạm với xe ba gác, bị càng xe đập vào ngực. Sau đó, tỉnh táo nhưng anh kêu đau ngực bụng nhiều kèm theo có bầm tím ở vùng thượng vị nên người nhà chuyển anh đến bệnh viện cấp cứu.

Các bác sĩ phát hiện túi phình lớn mặt sau động mạch chủ bụng. Nếu không cấp cứu kịp thời, tình trạng chảy máu trong sẽ tiếp tục tăng lên, đe dọa tính mạng.

Sau khi hội chẩn, đêm 1/3, bệnh nhân được chỉ định can thiệp đặt stent động mạch bụng theo đường từ động mạch đùi đi lên thay vì mổ mở tại ngực như bình thường. Điều này mang lại rất nhiều ưu điểm với người bệnh: thời gian bình phục sớm hơn, tránh được nguy cơ tử vong trong khi mổ, vết mổ nhỏ... Bên cạnh đó, các bác sĩ cũng điều trị để bảo tồn gan.

Theo phó giáo sư Nguyễn Hữu Ước, Trưởng khoa Can thiệp Tim mạch, Bệnh viện Bệnh viện Việt Đức thì đây là một tổn thương nặng, phức tạp lại trên một bệnh nhân đa chấn thương. Kỹ thuật triển khai ở vị trí tổn thương không đơn giản, nhưng với kỹ thuật đặt stent bệnh nhân đã được cứu sống.

Phương Trang

nguồn http://dantri.com.vn/suc-khoe/cuu-song-benh-nhan-vo-dong-mach-chu-bung-bang-ky-thuat-dac-biet-703593.htm

http://giadinh.vnexpress.net/tin-tuc/song-khoe/nhip-song/lan-dau-can-thiep-vo-dong-mach-chu-khong-can-mo-2431438.html

http://vtc.vn/321-369093/suc-khoe/vo-dong-mach-chu-cuu-song-khong-can-phau-thuat.htm

 

Cơ hội sống cho bệnh nhân phồng động mạch chủ nguy hiểm

(SKDS) - Các bác sĩ Khoa Phẫu thuật tim mạch lồng ngực, Bệnh viện (BV) Việt Đức phối hợp với các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, BV Đại học Y Hà Nội đã triển khai thành công kỹ thuật Hybrid (cùng lúc phẫu thuật và can thiệp tim mạch) trên một bệnh nhân cao tuổi bị phồng quai động mạch chủ. Đây cũng là lần đầu tiên kỹ thuật Hybrid đặt stent quai động mạch chủ được thực hiện thành công tại Việt Nam.

Được cứu sống nhờ kỹ thuật Hybrid

Bệnh nhân Nguyễn Văn H., 78 tuổi ở Hà Nội bị tăng huyết áp và phải điều trị thường xuyên bằng thuốc hơn 3 năm nay. Năm 2011, ông được các bác sĩ phát hiện phồng động mạch chủ (ĐMC) bụng và phồng quai ĐMC ngực trong lần đi kiểm tra huyết áp. Ông đã được các bác sĩ tim mạch lồng ngực BV Việt Đức hội chẩn với Hội Phẫu thuật mạch máu Pháp mổ thay đoạn mạch nhân tạo ĐMC bụng tại BV Việt Đức.
Do bệnh lý phức tạp, đồng thời phồng cả quai ĐMC ngực (đoạn giữa động mạch cảnh gốc trái và động mạch dưới đòn trái), ông H. đã được các bác sĩ hội chẩn lần thứ hai với Hội Phẫu thuật mạch máu Pháp nhưng chưa thể tiến hành phẫu thuật thay quai ĐMC lúc đó được vì bệnh nhân tuổi cao, sức khỏe kém, lại vừa trải qua cuộc mổ thay đoạn phình ĐMC bụng, không thể chịu đựng một cuộc đại phẫu lần thứ hai. Đầu tháng 8/2012, ông H. phải vào BV Việt Đức cấp cứu vì đau ngực dữ dội, kèm theo ho nhiều và khàn tiếng nói không rõ.
Kíp phẫu thuật do PGS.TS. Nguyễn Hữu Ước (người thứ hai từ trái sang) làm trưởng kíp đang phẫu thuật bắc cầu nối động mạch chủ - động mạch cảnh cho bệnh nhân H.
Kết quả chụp Xquang tim phổi cho thấy đoạn mạch ở quai ĐMC phồng lớn hơn, có nguy cơ dọa vỡ. Các bác sĩ đứng trước một thách thức: nếu không mổ khi huyết áp tăng cao khối phồng sẽ vỡ, bệnh nhân sẽ tử vong nhanh chóng. Nhưng nếu mổ, với tiền sử bệnh lý của bệnh nhân H., cộng thêm phẫu thuật thay quai ĐMC lại là phẫu thuật có nguy cơ rất cao, cơ hội sống cho bệnh nhân là rất ít. Để cứu sống người bệnh, giải pháp tối ưu nhất lúc này là ứng dụng kỹ thuật Hybrid: vừa phẫu thuật vừa can thiệp mạch để đặt stent Graft bịt khối phồng.
Kỹ thuật đỉnh cao giữa phẫu thuật và can thiệp tim mạch

PGS. TS. Nguyễn Hữu Ước, Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch lồng ngực, BV Việt Đức cho biết, phồng ĐMC ngực được phân loại theo các đoạn của ĐMC: ĐMC lên, quai ĐMC hay ĐMC xuống; trong đó phồng quai ĐMC là hiếm gặp và khó điều trị nhất. Quai ĐMC phồng do nhiều nguyên nhân: xơ vữa động mạch, tiền sử chấn thương, viêm nhiễm hoặc có thể là hậu quả của bóc tách ĐMC. Phồng quai hay ĐMC xuống có thể đè ép vào khí quản hay phế quản chính và làm lệch khí quản gây thở rít, ho, khó thở, ho ra máu hoặc viêm phổi tái phát. Hậu quả nặng nề nhất của phồng ĐMC ngực là nứt (dọa vỡ) hoặc vỡ. Khi túi phồng dọa vỡ sẽ gây đau nhiều ở quanh vùng có túi phồng. Khi vỡ sẽ gây đau dữ dội và sốc nặng. Người bệnh sẽ tử vong nhanh chóng nếu không được xử trí kịp thời.

Cũng theo PGS. TS. Nguyễn Hữu Ước, phẫu thuật thay quai ĐMC là thủ thuật có nguy cơ cao do phẫu thuật thuộc loại nặng nhất của mổ tim với nhiều biến chứng trên phổi, thận, não và các cơ quan khác, do phải giảm hoặc ngừng cấp máu cho nhiều cơ quan trong khi mổ. Giải pháp can thiệp tim mạch đặt stent để bịt khối phồng, tuy nhẹ nhàng và đỡ biến chứng hơn phẫu thuật rất nhiều song cũng không thể thực hiện được, vì khi đưa stent vào sẽ bịt các mạch máu nuôi não, bệnh nhân sẽ tử vong ngay lập tức. Như vậy, muốn làm can thiệp tim mạch thì phải kết hợp cùng lúc 2 kỹ thuật: vừa phẫu thuật bắc cầu nối động mạch chủ - động mạch cảnh vừa can thiệp mạch để đặt được stent Graft bịt khối phồng quai ĐMC (kỹ thuật Hybrid).

Hai kíp phẫu thuật và can thiệp tim mạch đã tiến hành đồng thời để đặt stent Graft cho bệnh nhân H. tại Phòng mổ tim, BV Việt Đức. Kíp phẫu thuật do PGS. TS. Nguyễn Hữu Ước làm trưởng kíp tiến hành mở vùng cổ, bắc cầu động mạch cảnh trái vào động mạch cảnh phải, tức là chuyển dòng máu nuôi não bên trái đi theo con đường khác bằng mạch nhân tạo, đồng thời mổ bộc lộ động mạch chậu phải để lấy đường vào cho can thiệp tim mạch. Sau đó kíp can thiệp do TS. BS. Nguyễn Lân Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch, BV Đại học Y Hà Nội đặt stent Graft qua động mạch đùi phải lên quai ĐMC để bịt khối phồng. Khi đó, do đã được làm cầu nối, stent Graft cho phép bịt các lỗ mạch tự nhiên của bệnh nhân, bệnh nhân không xảy ra bất kỳ biến chứng gì trong suốt quá trình thực hiện kỹ thuật.

Ngay sau mổ, bệnh nhân huyết động ổn định và được rút máy thở sau 12 giờ. PGS. TS. Nguyễn Hữu Ước cho biết, với kỹ thuật này hậu phẫu sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều vì phẫu thuật đơn giản, chỉ mở một lỗ nhỏ ở vùng cổ và vùng bẹn (so với phẫu thuật kinh điển phải mở xương ức và mở ngực, việc chăm sóc hậu phẫu sẽ rất nặng). Quá trình gây mê cũng đơn giản hơn rất nhiều. Bệnh nhân tránh được một cuộc mổ lớn, nhanh hồi phục sức khỏe và ra viện, nhất là đối với bệnh nhân cao tuổi, thể trạng yếu như bệnh nhân H.

Phồng động mạch chủ ngực.

Mang lại lợi ích và cơ hội cho người bệnh

Theo TS. BS. Nguyễn Lân Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch, BV Đại học Y Hà Nội, với những bệnh lý tim mạch phức tạp, cần phải tiến hành thông tim làm chẩn đoán hoặc cần phải chụp và đặt stent; trong quá trình can thiệp tim mạch, nếu có biến chứng xảy ra hoặc có bệnh lý kết hợp thì phải chuyển bệnh nhân từ trung tâm can thiệp tim mạch đến nơi có thể phẫu thuật được để giải quyết nên mất thời gian làm thủ tục, tốn kém hơn, độ rủi ro trên đường di chuyển cao hơn.
Các phẫu thuật kết hợp (Hybrid operation) sẽ mang lại lợi thế kinh tế và an toàn cho người bệnh. Người bệnh thay vì phải làm từng kỹ thuật tại các bệnh viện khác nhau thì nay đã có thể thực hiện trong một ca mổ phối hợp can thiệp ngay tại phòng mổ có trang bị hệ thống máy can thiệp tim mạch di động. “Với tình trạng quá tải bệnh nhân như hiện nay, dùng hệ thống can thiệp tim mạch di động có thể giảm giá thành, ứng cứu được kịp thời khi có biến chứng”, TS. Hiếu cho biết.

Có thể nói kỹ thuật Hybrid mở ra một triển vọng mới cho chuyên ngành tim mạch Việt Nam thực hiện được các ca mổ phức tạp: can thiệp - phẫu thuật đồng thời, ngang tầm như các trung tâm tim mạch lớn trong khu vực và trên thế giới.

Bài và ảnh:Mai Linh

   

Các bài viết khác...

gigigi

2013-09-12 191209