Bạn đang truy cập: Trang chủ Thầy thuốc của bạn Tư vấn chữa bệnh Tôi bệnh bệnh lý van động mạch chủ tôi nên điều trị thế nào ?

Tôi bệnh bệnh lý van động mạch chủ tôi nên điều trị thế nào ?

Email In PDF.
Xem kết quả: / 2
Bình thườngTuyệt vời 

Hoàng Lê Quang 53t, Quảng ninh hỏi: tôi được phát hiện bệnh van động mạch chủ được 5 năm trước, tôi đã được điều trị bằng thuốc, thời gian trước sức khỏe ổn định, sinh hoạt bình thường, gần đây cơ thể như rất mệt, nhiều lúc không thể lên nổi cầu thang, vậy liệu tôi có phải mổ không, bác sĩ xin vui lòng cho tôi biết thêm về bệnh này, cảm ơn


Trả lời

Bệnh lý van động mạch chủ là một bệnh lý van tim thường gặp, không những ở những nước đang phát triển (nguyên nhân thường gặp là do thấp tim) mà còn cả ở những nước phát triển (do thoái hóa van khi tuổi đời càng cao). Phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời mang một ý nghĩa tiên lượng quan trọng...

Bệnh van động mạch chủ là gi?

Van động mạch chủ là một trong số bốn van tim kiểm soát dòng máu vào và ra khỏi tim. Van động mạch chủ có vai trò đặc biệt bởi nó kiểm soát dòng máu mang ôxy từ thất trái đi vào động mạch chủ, động mạch chính yếu cung cấp máu toàn bộ cơ thể. Nếu van động mạch chủ bị hẹp, tim phải bóp mạnh hơn để đảm bảo bơm đủ lượng máu qua từng nhát bóp của nó. Trái lại, nếu van đóng không kín, còn gọi là hở, một phần lượng máu được bơm vào động mạch chủ sẽ trào ngược trở lại thất trái trong thì tâm trương. Trong cả hai trường hợp, thất trái đều phải làm việc nhiều hơn bình thường, hậu quả là thành thất bị dày lên (phì đại) và buồng thất trở nên to hơn (giãn).

Đối tượng mắc bệnh

Khuyết tật bẩm sinh và thấp tim là hai nguyên nhân hàng đầu của bệnh van động mạch chủ. Hở van động mạch chủ có thể gặp trong một số bệnh lý về khớp như viêm cột sống dính khớp, hội chứng Reiter, lupus ban đỏ hệ thống. Tăng huyết áp nặng cũng có thể gây hở van động mạch chủ.

Triệu chứng

Bệnh van động mạch chủ thường diễn biến tiềm tàng ở những giai đoạn sớm. Khi bệnh tiến triển có thể gây triệu chứng khó thở, đau thắt ngực, chóng mặt thậm chí ngất, đặc biệt khi gắng sức. Nhiều người bị hẹp van động mạch chủ nhiều năm nhưng không hề có biểu hiện lâm sàng.

Chẩn đoán

Khám lâm sàng có thể giúp phát hiện phần lớn các trường hợp bệnh van động mạch chủ. Các dấu hiệu đặc trưng như tiếng thổi ở tim có thể được phát hiện khi nghe tim. X quang ngực, điện tâm đồ và siêu âm tim là những thăm dò giúp ích chẩn đoán xác định. Trong trường hợp cần can thiệp phẫu thuật, người ta thường tiến hành thông tim (thăm dò tim mạch bằng ống thông) nhằm xác định rõ thương tổn.

Điều trị

Cần kiểm soát tốt huyết áp và duy trì trọng lượng cơ thể trong giới hạn bình thường có thể. Hạn chế gắng sức thể lực (đặc biệt là mang vác các vật nặng), nhất là đối với trường hợp hẹp van. Khi hẹp hoặc hở van động mạch chủ nặng đã xuất hiện triệu chứng, cần tiến hành phẫu thuật thay van tổn thương bằng van nhân tạo (chất tổng hợp hoặc kim loại) hoặc van sinh học (thường là tim lợn). Nhìn chung, hẹp van động mạch chủ không có triệu chứng không cần phẫu thuật thay van. Các thuốc giãn mạch có thể dùng để điều trị hở van động mạch chủ nhưng lại không được chỉ định trong trường hợp van bị hẹp.

Biến chứng

Nhìn chung, bệnh van động mạch chủ sẽ dẫn tới nguy cơ suy tim trái và viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn. Hẹp van động mạch chủ có thể gây chết đột ngột. Tuy vậy, thường có nhiều triệu chứng cảnh báo trước khi các biến cố nghiêm trọng xảy ra.

Dự phòng

Phòng thấp tim, đặc biệt điều trị triệt để viêm họng do liên cầu khuẩn, là phương pháp dự phòng cơ bản nhất. Đối với các trường hợp đã mắc bệnh, cần dùng kháng sinh trước các thủ thuật về răng miệng hoặc phẫu thuật để dự phòng viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn.

 

gigigi

2013-09-12 191209

Tiện ích