Tôi siêu âm tim phát hiện bị hở 1,5/4, người thân của tôi hở 1/4. Mức độ hở 1-1,5/4 có gì nguy hiểm cho tim không, có phải điều trị? Tiến triển hở sẽ như thế nào? Có phải sau 5-10 năm tim sẽ hở lên 3-4/4, phải mổ?
VIỆT HƯƠNG
trả lời:
- Khi mở, van tim cho máu chảy qua theo một chiều; khi đóng, van tim ngăn không cho máu chảy ngược lại. Nếu van đóng không kín là bệnh hở van tim, nếu van mở không đủ rộng là bệnh hẹp van tim.
Trong câu hỏi, bạn không nêu rõ mình bị hở van nào. Với mức hở van ba lá 1-1,5/4 thì không đáng kể, còn với hở van hai lá hoặc hở van động mạch chủ cần lưu tâm kỹ hơn.
Độ nặng của hở van hai lá và hở van động mạch chủ được chia thành bốn mức: 1/4 là hở nhẹ, 2/4 hở trung bình, 3/4 hở nặng, 4/4 hở rất nặng. Khi van tim bị hở, máu phụt ngược trở lại gây ứ ở tim, tim phải làm việc nhiều hơn để đẩy cả lượng máu ứ đó đi, lâu dần sẽ bị suy yếu. Tùy mức độ hở nặng hay nhẹ, đã có biến chứng hay chưa mà người bệnh có các biểu hiện như: mệt mỏi, khó thở, đau ngực, suy tim, rối loạn nhịp... Để quyết định một tình trạng hở van tim có cần điều trị thuốc hoặc phẫu thuật, bác sĩ không chỉ dựa vào mức độ hở mà còn căn cứ vào triệu chứng có ở người bệnh (nhất là triệu chứng mệt), sự tiến triển của hở van, mức độ bị ảnh hưởng của tim, chức năng tim (tim có giãn chưa, tim bóp còn tốt không...).
Khi đã có triệu chứng của bệnh nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa tim mạch để được đánh giá bệnh và có hướng điều trị. Nếu bạn giữ sức khỏe tốt, sống lành mạnh, theo dõi và điều trị đúng cách, mức hở van nhẹ có thể giữ được trong nhiều năm và chậm tiến triển thành nặng hơn.
Một số lời khuyên về lối sống dành cho người hở van tim:
- Kiểm tra huyết áp thường xuyên và điều trị tăng huyết áp (nếu có) vì huyết áp cao làm tim phải gắng sức nhiều hơn.
- Ăn lạt, ăn ít muối: làm giảm việc giữ nước của cơ thể, tránh cho tim phải gắng sức và không làm tăng huyết áp. Ăn thức ăn ít chất béo và kiểm tra nồng độ mỡ trong máu thường xuyên để phòng ngừa bệnh mạch vành vì bệnh mạch vành ảnh hưởng tới cơ tim, đưa đến tăng mức độ hở van tim.
- Không uống cà phê: hở van tim có thể kèm theo tình trạng rối loạn nhịp. Cà phê sẽ làm nặng thêm rối loạn nhịp (nếu có). Không uống rượu: tương tự cà phê, rượu cũng làm xấu hơn tình trạng rối loạn nhịp. Ngoài ra, uống rượu nhiều có thể gây bệnh cơ tim, ảnh hưởng tình trạng hở van.
- Tránh để quá cân vì tình trạng quá cân là một gánh nặng cho tim khi co bóp. Tập thể dục mỗi ngày. Sinh hoạt điều độ, tránh hoạt động gắng sức.
< Lùi | Tiếp theo > |
---|
- Tím môi và đầu chi là bệnh tim gì ?
- Bệnh tim không tím là bệnh gì ?
- Bệnh cơ tim là gì ?
- Tim tôi đập nhanh và hay mất bình tĩnh liệu tôi có mắc bệnh tim ?
- Khi nào tôi phải thay van tim ?
- Bệnh Ebstein's Malformation có thể chữa trị hết được không?
- Tôi bị phình động mạch chủ ngực,tôi có nguy cơ gì ?
- BS đã phẫu thuật Nuss nâng ngực, vậy thanh kim loại bao giờ bỏ ra ?
- Tôi đã được các BS mổ làm cầu chủ vành, sau khi mổ tôi phải làm gì ?
- Tôi đã được phẫu thuật thay van tim 3 năm trước, bao giờ tôi phải thay van tim ?