(Dân trí) – Đã mổ tim hơn 1 tháng, chỉ cần điều trị thêm mươi mười lăm ngày nữa là chàng trai đó có cơ hội sống. Nhưng đến lúc này, gia đình bệnh nhân đã kiệt quệ, không còn xoay sở được một đồng, một cắc bạc, cùng đường đành xin cho con về… để chết.
“Biết con về là chết. Nói lời xin con về, đau như ngàn mũi dao đâm vào tim, nhưng biết làm sao, đường cùng rồi”, người đàn ông có gương mặt khắc khổ nặng trĩu nỗi buồn khi nói về quyết định đớn đau của một người bố trước sự sống – chết của con mình.
Nhà nghèo, sau hơn 20 năm mới được mổ
Gương mặt đượm buồn, chàng trai trẻ cố ngăn giòng nước mắt khi biết vì nhà nghèo, bố đành xin bệnh viện cho con về...
PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, Trưởng khoa Tim mạch (BV Việt Đức) cho biết, bệnh nhân may mắn thoát chết nhờ được đưa đến khoa Tim mạch (BV Việt Đức) cấp cứu kịp thời khi liên tục xuất hiện nhiều cơn khó thở, ngất liên tục.
Hôm đó, 24/9, Thanh xuất hiện nhiều cơn ngất, khó thở nhiều và được đưa đi cấp cứu tại BV Thái Nguyên rồi chuyển ngay lên BV Việt Đức cấp cứu vì tình trạng bệnh quá nặng. Ngay khi được chuyển đến BV Việt Đức hôm 24/9, các bác sĩ nhanh chóng tiến hành hồi sức cấp cứu cho bệnh nhân.
Bệnh nhân này nếu không được hồi sức cấp cứu và mổ kịp thời chắc chắn sẽ tử vong bởi bệnh nhân bị tim bẩm sinh từ nhỏ, gây hẹp khít đường ra của thất phải, động mạch chủ hở khiến máu không thể bơm được đi toàn bộ hệ thống cơ thể. Không được mổ ngay, bệnh nhân sẽ chết. “Quả tim như một cái máy bơm vậy, nhưng lúc này máy bơm đã hỏng, không bơm máu đi nuôi cơ thể, bệnh nhân sẽ chết nếu không được sửa chữa quả tim lỗi đó”, TS Ước nói.
“Khi chúng tôi hỏi, sao để con bị nặng vậy mới đưa đi viện, trong khi bệnh này phải mổ ngay từ nhỏ, càng sớm càng tốt thì mới biết, gia cảnh bệnh nhân quá nghèo, không có tiền nên gia đình cứ lần lữa chuyện đi chữa bệnh cho con”, điều dưỡng trưởng khoa Tim mạch Nguyễn Xuân Vinh cho biết.
Trước tình cảnh nguy kịch, bệnh nhân đã được hồi sức tích cực và được phẫu thuật huật, sửa toàn bộ quả tim và thay van tim. “Sau hơn một tháng, bệnh nhân dần ổn định thì bố bệnh nhân lại xin con về. Khi nghe ông bố trình bày, chúng tôi cũng biết gia cảnh quá khó khăn, không thể chạy vạy được thêm đồng bạc nào, đến đường cùng rồi họ mới phải làm thế, chúng tôi đã cố thuyết phục. Người bố đã rơi nước mắt khi xin con về, vì biết con về sẽ chết. Trong khi đó chỉ nằm điều trị thêm khoảng 2 tuần nữa, bệnh nhân sẽ được xuất viện, khỏe khoắn. Còn xin về giờ này, đồng nghĩa với cái chết là chắc chắn. Chúng tôi không đành lòng, vì những giai đoạn khó khăn nhất đã qua, những lúc tưởng bệnh nhân cận kề cái chết cũng đã qua khỏi… ”, điều dưỡng Nguyễn Xuân Vinh nói.
Ngập ngừng khi hỏi về quyết định xin con về có tàn nhẫn quá không khi chính mình sẽ cắt đứt sự sống của con, anh Lý Văn Thịnh (47 tuổi, bố của bệnh nhân Thanh) mãi mới nói lên lời: “Đường cùng rồi bác sĩ ạ. Vay tiền nặng lãi, giờ người ta cũng không cho vay thêm. Trong nhà không còn một đồng bạc, biết lấy gì lo cho con…”.
50 triệu và một mạng người
Nhà có 3 dứa con (Thành là con đầu), chỉ có 3 xào ruộng nên anh Thịnh vẫn thường xuyên phải đi làm phụ hồ mà vẫn đói ăn. “Khi con nhập viện Việt Đức, số tiền phải đóng đã tới 90 triệu. Toàn bộ số tiền này đều phải vay lãi 5% một tháng. Không vay được ngân hàng vì họ nói nhà nghèo quá, tài sản thế chấp không đủ vay số tiền lớn thế. Trong khi đó, anh em, họ hàng thì ai cũng nghèo khó đành liều vay nặng lãi. Hôm rồi đến tháng, họ đòi tiễn lãi chưa có trả, giờ vay thêm không được, không biết lấy gì để lo cho con mới đành phải xin con về. Chứ làm cha, làm mẹ ai nỡ lòng nào không cứu chữa cho con, nhưng cùng đường rồi…”, anh Thịnh buồn rầu nói.
Điều dưỡng Nguyễn Xuân Vinh cho biết, khi người nhà bệnh nhân xin con về, các bác sĩ động viên mãi, rằng giai đoạn khó khăn nhất đã qua, giờ chỉ khoảng 50 triệu nữa là con khỏe. Các bác sĩ cũng hứa kêu gọi hộ thì gia đình mới cho bệnh nhân ở lại… Người bố hiện tại, mỗi ngày chỉ dám ăn 25 – 30 ngàn, không dám ngủ trọ vì tốn tiền, vất vưởng trong sân bệnh viện.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: 1. Mã số 791: Bệnh nhân Lý Văn Thanh, đang nằm điều trị tại khoa Tim mạch (BV Việt Đức, Hà Nội.
Anh Lý Văn Thịnh (bố bệnh nhân) ở thôn Khuôn Cay, xã Phúc Thuận, Phổ Yên, Thái Nguyên hoặc tại BV Việt Đức.
|