Cơ hội sống cho bệnh nhân phồng động mạch chủ nguy hiểm

In

(SKDS) - Các bác sĩ Khoa Phẫu thuật tim mạch lồng ngực, Bệnh viện (BV) Việt Đức phối hợp với các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, BV Đại học Y Hà Nội đã triển khai thành công kỹ thuật Hybrid (cùng lúc phẫu thuật và can thiệp tim mạch) trên một bệnh nhân cao tuổi bị phồng quai động mạch chủ. Đây cũng là lần đầu tiên kỹ thuật Hybrid đặt stent quai động mạch chủ được thực hiện thành công tại Việt Nam.

Được cứu sống nhờ kỹ thuật Hybrid

Bệnh nhân Nguyễn Văn H., 78 tuổi ở Hà Nội bị tăng huyết áp và phải điều trị thường xuyên bằng thuốc hơn 3 năm nay. Năm 2011, ông được các bác sĩ phát hiện phồng động mạch chủ (ĐMC) bụng và phồng quai ĐMC ngực trong lần đi kiểm tra huyết áp. Ông đã được các bác sĩ tim mạch lồng ngực BV Việt Đức hội chẩn với Hội Phẫu thuật mạch máu Pháp mổ thay đoạn mạch nhân tạo ĐMC bụng tại BV Việt Đức.
Do bệnh lý phức tạp, đồng thời phồng cả quai ĐMC ngực (đoạn giữa động mạch cảnh gốc trái và động mạch dưới đòn trái), ông H. đã được các bác sĩ hội chẩn lần thứ hai với Hội Phẫu thuật mạch máu Pháp nhưng chưa thể tiến hành phẫu thuật thay quai ĐMC lúc đó được vì bệnh nhân tuổi cao, sức khỏe kém, lại vừa trải qua cuộc mổ thay đoạn phình ĐMC bụng, không thể chịu đựng một cuộc đại phẫu lần thứ hai. Đầu tháng 8/2012, ông H. phải vào BV Việt Đức cấp cứu vì đau ngực dữ dội, kèm theo ho nhiều và khàn tiếng nói không rõ.
Kíp phẫu thuật do PGS.TS. Nguyễn Hữu Ước (người thứ hai từ trái sang) làm trưởng kíp đang phẫu thuật bắc cầu nối động mạch chủ - động mạch cảnh cho bệnh nhân H.
Kết quả chụp Xquang tim phổi cho thấy đoạn mạch ở quai ĐMC phồng lớn hơn, có nguy cơ dọa vỡ. Các bác sĩ đứng trước một thách thức: nếu không mổ khi huyết áp tăng cao khối phồng sẽ vỡ, bệnh nhân sẽ tử vong nhanh chóng. Nhưng nếu mổ, với tiền sử bệnh lý của bệnh nhân H., cộng thêm phẫu thuật thay quai ĐMC lại là phẫu thuật có nguy cơ rất cao, cơ hội sống cho bệnh nhân là rất ít. Để cứu sống người bệnh, giải pháp tối ưu nhất lúc này là ứng dụng kỹ thuật Hybrid: vừa phẫu thuật vừa can thiệp mạch để đặt stent Graft bịt khối phồng.
Kỹ thuật đỉnh cao giữa phẫu thuật và can thiệp tim mạch

PGS. TS. Nguyễn Hữu Ước, Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch lồng ngực, BV Việt Đức cho biết, phồng ĐMC ngực được phân loại theo các đoạn của ĐMC: ĐMC lên, quai ĐMC hay ĐMC xuống; trong đó phồng quai ĐMC là hiếm gặp và khó điều trị nhất. Quai ĐMC phồng do nhiều nguyên nhân: xơ vữa động mạch, tiền sử chấn thương, viêm nhiễm hoặc có thể là hậu quả của bóc tách ĐMC. Phồng quai hay ĐMC xuống có thể đè ép vào khí quản hay phế quản chính và làm lệch khí quản gây thở rít, ho, khó thở, ho ra máu hoặc viêm phổi tái phát. Hậu quả nặng nề nhất của phồng ĐMC ngực là nứt (dọa vỡ) hoặc vỡ. Khi túi phồng dọa vỡ sẽ gây đau nhiều ở quanh vùng có túi phồng. Khi vỡ sẽ gây đau dữ dội và sốc nặng. Người bệnh sẽ tử vong nhanh chóng nếu không được xử trí kịp thời.

Cũng theo PGS. TS. Nguyễn Hữu Ước, phẫu thuật thay quai ĐMC là thủ thuật có nguy cơ cao do phẫu thuật thuộc loại nặng nhất của mổ tim với nhiều biến chứng trên phổi, thận, não và các cơ quan khác, do phải giảm hoặc ngừng cấp máu cho nhiều cơ quan trong khi mổ. Giải pháp can thiệp tim mạch đặt stent để bịt khối phồng, tuy nhẹ nhàng và đỡ biến chứng hơn phẫu thuật rất nhiều song cũng không thể thực hiện được, vì khi đưa stent vào sẽ bịt các mạch máu nuôi não, bệnh nhân sẽ tử vong ngay lập tức. Như vậy, muốn làm can thiệp tim mạch thì phải kết hợp cùng lúc 2 kỹ thuật: vừa phẫu thuật bắc cầu nối động mạch chủ - động mạch cảnh vừa can thiệp mạch để đặt được stent Graft bịt khối phồng quai ĐMC (kỹ thuật Hybrid).

Hai kíp phẫu thuật và can thiệp tim mạch đã tiến hành đồng thời để đặt stent Graft cho bệnh nhân H. tại Phòng mổ tim, BV Việt Đức. Kíp phẫu thuật do PGS. TS. Nguyễn Hữu Ước làm trưởng kíp tiến hành mở vùng cổ, bắc cầu động mạch cảnh trái vào động mạch cảnh phải, tức là chuyển dòng máu nuôi não bên trái đi theo con đường khác bằng mạch nhân tạo, đồng thời mổ bộc lộ động mạch chậu phải để lấy đường vào cho can thiệp tim mạch. Sau đó kíp can thiệp do TS. BS. Nguyễn Lân Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch, BV Đại học Y Hà Nội đặt stent Graft qua động mạch đùi phải lên quai ĐMC để bịt khối phồng. Khi đó, do đã được làm cầu nối, stent Graft cho phép bịt các lỗ mạch tự nhiên của bệnh nhân, bệnh nhân không xảy ra bất kỳ biến chứng gì trong suốt quá trình thực hiện kỹ thuật.

Ngay sau mổ, bệnh nhân huyết động ổn định và được rút máy thở sau 12 giờ. PGS. TS. Nguyễn Hữu Ước cho biết, với kỹ thuật này hậu phẫu sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều vì phẫu thuật đơn giản, chỉ mở một lỗ nhỏ ở vùng cổ và vùng bẹn (so với phẫu thuật kinh điển phải mở xương ức và mở ngực, việc chăm sóc hậu phẫu sẽ rất nặng). Quá trình gây mê cũng đơn giản hơn rất nhiều. Bệnh nhân tránh được một cuộc mổ lớn, nhanh hồi phục sức khỏe và ra viện, nhất là đối với bệnh nhân cao tuổi, thể trạng yếu như bệnh nhân H.

Phồng động mạch chủ ngực.

Mang lại lợi ích và cơ hội cho người bệnh

Theo TS. BS. Nguyễn Lân Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch, BV Đại học Y Hà Nội, với những bệnh lý tim mạch phức tạp, cần phải tiến hành thông tim làm chẩn đoán hoặc cần phải chụp và đặt stent; trong quá trình can thiệp tim mạch, nếu có biến chứng xảy ra hoặc có bệnh lý kết hợp thì phải chuyển bệnh nhân từ trung tâm can thiệp tim mạch đến nơi có thể phẫu thuật được để giải quyết nên mất thời gian làm thủ tục, tốn kém hơn, độ rủi ro trên đường di chuyển cao hơn.
Các phẫu thuật kết hợp (Hybrid operation) sẽ mang lại lợi thế kinh tế và an toàn cho người bệnh. Người bệnh thay vì phải làm từng kỹ thuật tại các bệnh viện khác nhau thì nay đã có thể thực hiện trong một ca mổ phối hợp can thiệp ngay tại phòng mổ có trang bị hệ thống máy can thiệp tim mạch di động. “Với tình trạng quá tải bệnh nhân như hiện nay, dùng hệ thống can thiệp tim mạch di động có thể giảm giá thành, ứng cứu được kịp thời khi có biến chứng”, TS. Hiếu cho biết.

Có thể nói kỹ thuật Hybrid mở ra một triển vọng mới cho chuyên ngành tim mạch Việt Nam thực hiện được các ca mổ phức tạp: can thiệp - phẫu thuật đồng thời, ngang tầm như các trung tâm tim mạch lớn trong khu vực và trên thế giới.

Bài và ảnh:Mai Linh

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: